Cùng thầy trò miền Trung vượt khó

GD&TĐ - Thiệt hại do mưa lũ gây ra với các tỉnh miền Trung, trong đó có ngành GD khó có thể đong đếm.

Ngoài trường lớp, đồ dùng thiết bị dạy học bị đổ, sập hoặc hư hỏng do ngâm trong nước nhiều ngày, đội ngũ GV, HS cũng chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, tinh thần. Thấu hiểu những khó khăn thầy trò vùng lũ phải đối mặt, Bộ GD&ĐT, từng cơ sở GD, HSSV cùng chung sức đồng lòng hướng về miền Trung với mong muốn: Các trường sớm ổn định để đón HS. 

Vùng khó thêm khó

Mùa mưa lũ, Tuyên Hóa (Quảng Bình) là một trong những huyện thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học bởi trường vùng trũng ngập trong nước, trường vùng núi lại đối mặt với lũ ống, lũ quét. Mỗi lần mưa lũ đi qua là một lần các thầy cô thêm vất vả bởi ngoài việc dồn sức khắc phục, những thiệt hại về cơ sở vật chất sau lũ cũng gây khó khăn cho việc dạy và học.

Khó khăn là vậy song ngành GD&ĐT huyện Tuyên Hóa đã cố gắng để hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau sớm khắc phục khó khăn để sớm đón học sinh đến trường; ổn định công tác dạy và học, bổ sung kiến thức cho các em để theo kịp khung thời khóa biểu của ngành đã đề ra.

Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa cho biết: Mưa lũ để lại hậu quả khá nặng nề với các trường học trên địa bàn. Ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra khoảng 1,6 tỷ đồng, chủ yếu là do hư hỏng bàn ghế, trang thiết bị phục vụ dạy học như máy vi tính…

Khi nước bắt đầu rút, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường khẩn trương khắc phục thiệt hại, vệ sinh phong quang trường lớp sẵn sàng đón học sinh trở lại học tập theo thời khóa biểu với các trường không bị ngập lụt và trường bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường. Các trường nằm trong vùng trũng, ngập lụt sâu được tăng cường biện pháp khắc phục để có thể đón học sinh trở lại trường trong thời gian sớm nhất. “Ngày 26/10, các trường học trên địa bàn đã đón học sinh trở lại trường”, ông Phúc cho hay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngậm ngùi trước những thiệt hại về cơ sở vật chất dạy – học tại Trường Tiểu học Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngậm ngùi trước những thiệt hại về cơ sở vật chất dạy – học tại Trường Tiểu học Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: Thế Đại

Tại Hà Tĩnh, ngành Giáo dục huyện Cẩm Xuyên bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Toàn huyện có 37 trường bị ngập, trong đó có 30 trường bị nặng, tổng số thiệt hại gần 11 tỷ đồng.

Trường Mầm non Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) nằm trong vùng rốn lũ, nước ngập đầu tiên và rút ra sau cùng. Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vịnh, bà Nguyễn Thị Lý, nước lũ ngập ngang cửa sổ tầng 1 của trường. Bàn ghế đều là gỗ công nghiệp do ngâm nước lâu ngày nên bị mục, hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra nền nhà, nền bếp bị sụt lún. Ước bị thiệt hại hơn 500 triệu đồng.

“Gia đình các cán bộ, giáo viên đều bị ngập lụt nên ảnh hưởng khá nhiều. Rất mong nhận sự giúp đỡ, quan tâm của các cấp để nhà trường sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ (máy in, máy tính và đồ chơi của các cháu)” – bà Lý chia sẻ.

Cán bộ chiến sĩ Biên phòng lau chùi bàn ghế học sinh sau lũ tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình).
Cán bộ chiến sĩ Biên phòng lau chùi bàn ghế học sinh sau lũ tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình).

Chung tay vượt khó

Thăm và động viên, chia sẻ với khó khăn ngành GD huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mong muốn chính quyền địa phương cùng các tổ chức mặt trận xã, huyện… chung tay giúp đỡ nhà trường trong công tác vệ sinh trường lớp sạch sẽ đón học sinh trở lại trường trong thời gian sớm nhất có thể; có kế hoạch dạy bù, ôn tập kiến thức để học sinh theo kịp chương trình học.

Tại Quảng Bình, Bộ trưởng yêu cầu Sở GD&ĐT quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị; động viên cán bộ, giáo viên nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ủng hộ áo quần, lương thực, thực phẩm, sách vở và một số nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ bà con và học sinh vùng lũ…

Thăm Trường THCS Mỹ Duệ (xã Cẩm Duệ) và Trường Mầm non Cẩm Vịnh (xã Cẩm Vịnh) của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Bộ trưởng cho biết: Thiệt hại, mất mát sau mưa lũ với ngành Giáo dục quá lớn. Các trường bị ngập lụt cần huy động nhân lực tổng vệ sinh, dọn dẹp lại bàn ghế để đón học sinh trở lại sớm nhất.

“Các trường bị ngập nước, sau khi đón học sinh trở lại trường nếu chương trình dạy học không kịp cần dạy bù sau đó. Những điểm trường còn ngập nước, chưa  bảo đảm an toàn, không nhất thiết phải cho học sinh đi học sớm, ưu tiên nhất là an toàn cho thầy và trò” – Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cho biết: Các trường bị ảnh  hưởng bởi thiên tai nêu rõ danh mục phải sắm sửa lại, nhất là sách giáo khoa và thiết bị dạy. Ngành Giáo dục Hà Tĩnh cần có hỗ trợ cần thiết đối với giáo dục; động viên phụ huynh sớm đưa con đến lớp.

“Bộ GD&ĐT ngoài việc ủng hộ khẩn cấp tiền mặt, trang thiết bị, đồ dùng dạy và học sẽ yêu cầu Nhà xuất bản, in ấn sách giáo khoa sớm, số lượng đủ cung cấp cho các trường để sớm ổn định công tác dạy học” – Bộ trưởng thông báo.

Chung tay cùng nhau bước qua mùa lũ, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiều trường học trên địa bàn không bị ảnh hưởng lên đường giúp đỡ các trường bị ngập sâu trong nước lũ. Những cô giáo mầm non chân yếu tay mềm trở nên mạnh mẽ khi quăng quật cả ngày để kéo bùn, lau chùi đồ dùng học sinh, phụ giúp đồng nghiệp dọn dẹp sau lũ… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ