Thất vọng với phim 'Huyền sử vua Đinh'

GD&TĐ - Doanh thu phòng vé của phim “Huyền sử vua Đinh” khá bết bát khi sau 5 ngày công chiếu.

Bộ phim 'Huyền sử vua Đinh' do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ quốc tế Athena sản xuất năm 2020. Ảnh chụp từ trailer.
Bộ phim 'Huyền sử vua Đinh' do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ quốc tế Athena sản xuất năm 2020. Ảnh chụp từ trailer.

Là phim lịch sử quân sự đầu tiên song ra rạp đã gần một tuần nhưng doanh thu của bộ phim truyện “Huyền sử vua Đinh” vẫn nhỏ giọt - chưa vượt qua được con số 50 triệu. Suất chiếu tại các cụm rạp cũng giảm nhanh chóng, khả năng trụ rạp mong manh… Nhưng, thế là… may cho người chưa xem!

Bết bát doanh thu

Suất chiếu phim “Huyền sử vua Đinh” chiều 22/11 tại rạp CGV Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn được bắt đầu đúng giờ - 14 giờ 50 phút dù… không khán giả. Những hàng ghế im lìm, mặc phim chạy đều...

Khi vị khách đầu tiên và cũng là duy nhất đến, cô bán vé tại quầy thờ ơ: “Chị chọn chỗ nào, mà cũng không cần đâu. Chị cứ mua vé và muốn ngồi chỗ nào cũng được. Vì cả suất chiếu này chỉ có mình chị...”.

“Những suất chiếu khác cũng thế sao?” – “Vâng, về cơ bản là như thế. Thậm chí còn chiếu không khán giả”, cô bán vé cười mỉm cùng câu trả lời nhẹ bẫng như thể đấy là điều tất nhiên, rất bình thường.

Bước vào phòng chiếu vắng lặng khi phim đã khởi động được chừng 5 phút, vị khán giả duy nhất không khỏi thấy trống trải. Sao thế nhỉ? Biết rằng, 14 giờ 50 phút không phải là giờ vàng nhưng vẫn vừa vặn để ai đó rảnh rang vào giữa chiều có thể thu xếp tới thưởng thức.

Thêm nữa, điểm rạp này nằm ngay dưới tầng hầm của cả tòa nhà chung cư đồ sộ, cao mấy chục tầng đông dân cư sinh sống. Suất chiếu này không có “đối thủ” cạnh tranh vì các điểm rạp khác hầu như không có suất chiếu vào buổi chiều. Vậy mà…

Thực ra, sự vắng vẻ này của những suất chiếu phim “Huyền sử vua Đinh” không chỉ xảy ra ở điểm rạp này mà nhiều điểm rạp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cũng bởi vậy mà, dù có ưu ái đến mấy cho phim cổ trang Việt song nếu như trong ngày đầu phim ra rạp, các suất chiếu còn được phủ khá dày thì chỉ sau 3 ngày đã rơi rớt chỉ còn đôi ba suất, thậm chí duy nhất một suất, chỉ đạt tổng hơn 90 suất/ngày và vào những khung giờ khó cho khán giả.

Cập nhật lịch chiếu ngày 23/11 trên trang moveek.com, ở Hà Nội có khoảng 16 điểm chiếu, trong đó cụm rạp CGV Cinemas chiếm tới 13 rạp, còn lại Lotte Cinema chỉ có 2 rạp và BHD Star Cineplex chỉ còn 1 rạp với giờ chiếu phổ biến vào giữa buổi sáng (9 giờ) và đêm khuya (23 giờ).

Ở TP Hồ Chí Minh, 26 điểm rạp, trong đó CGV Cinemas chiếm tới 19 rạp, còn lại Lotte Cinema chỉ có 4 rạp và BHD Star Cineplex chỉ còn 2 rạp, với khung giờ phổ biến vào buổi sáng, khoảng 9 hoặc 10 giờ. Bởi vậy, doanh thu phòng vé của phim “Huyền sử vua Đinh” đến thời điểm này bị bết bát khi sau 5 ngày công chiếu chỉ thu được gần 40 triệu (theo trang boxofficevietnam.com).

Cảnh cuối làm sai lệch lịch sử của phim “Huyền sử vua Đinh”. Ảnh: Bình Thanh.

Cảnh cuối làm sai lệch lịch sử của phim “Huyền sử vua Đinh”. Ảnh: Bình Thanh.

May vì… chưa xem!

Chi tiết khép lại bộ phim “Huyền sử vua Đinh”: Đinh Tiên Hoàng nói trao lại ngôi báu cho Lê Hoàn, Nguyễn Bặc vì “đã hoàn thành thiên ý” và “đây là công sức của tất cả chúng ta” rồi cùng Đinh Liễn (cũng tự nguyện theo cha vì “hồng trần này không có gì luyến tiếc”) hóa rồng bay về trời khiến khán giả không khỏi bật cười vì sự hư cấu quá… hồn nhiên đến mức bóp méo lịch sử. Theo chính sử chép thì Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám sát mà qua đời với giả thuyết: Liệu có phải Đỗ Thích làm việc đó hay không? Vậy nên, khán giả cũng có thể đặt câu hỏi: Ê-kíp thực hiện “Huyền sử vua Đinh” đâu có làm tròn vai trò tiên phong thúc đẩy phong trào làm phim lịch sử mà chỉ là sự tùy tiện, hời hợt, cẩu thả, thậm chí còn bóp méo lịch sử? Và, vì sao cơ quan kiểm duyệt tưởng rất khắt khe lại có thể để lọt một bộ phim kém chất lượng như thế ra rạp?

Được tuyên bố đây là “bộ phim truyện lịch sử quân sự đầu tiên của phim Việt” và vươn đến mục tiêu không chỉ “để đến với khán giả biết được lịch sử Việt Nam hào hùng” mà còn “là sự tiên phong hy vọng khán giả sẽ đón nhận, ủng hộ để sau này sẽ có những nghệ sĩ, nhà đầu tư khác sẽ tiếp tục đầu tư để có nhiều bộ phim về lịch sử Việt Nam” (theo đạo diễn Anthony Võ) nên “Huyền sử vua Đinh” khiến khán giả không khỏi kỳ vọng.

Thế nhưng khi được chính thức công chiếu, những người lỡ ra rạp không khỏi thất vọng rồi nhủ thầm: May cho người… chưa xem!

Thất vọng đầu tiên là việc câu chuyện lịch sử - dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh - được kể thiếu liền mạch, thường đứt đoạn, chắp nối, phải nhiều lần mượn lời dẫn truyện.

Phim tập trung nhiều vào những chiêu trò thích khách, đánh đấm chứ chưa làm nổi bật được sự tài trí, mưu lược của Đinh Bộ Lĩnh cũng như các tướng lĩnh khác của ông.

Hơn nữa, việc huyễn hoặc Đinh Bộ Lĩnh nguyện bớt tuổi thọ của mình để thần tiên ban phép lạ cứu mạng bà Đàm Thị ngay từ đầu không thuyết phục, bị khiên cưỡng ép vào ý đồ muốn thể hiện lòng hiếu thảo của Đinh Bộ Lĩnh với mẹ cũng như lý giải về sứ mệnh của ông qua lời của thần tiên chứa đầy mâu thuẫn: “Con là tiên tu trên trời đầu thai xuống trần gian, linh khí quá nặng cơ thể phàm nhân của mẹ con không chịu nổi nên hao tổn thọ nguyên mà chết!”.

Câu nói này muốn hé lộ phát tích của vua Đinh nhưng mặt khác chẳng phải đã cho biết nguyên do: Đinh Bộ Lĩnh là người vô tình khiến mẹ ông qua đời? Việc hư cấu quá đà này đã không tôn vinh nhân vật, trái lại còn gây ra bức xúc với khán giả thuộc sử và nguy hiểm với người lần đầu biết về vua Đinh Tiên Hoàng.

Và, trong lời thoại giữa thần tiên với Đinh Bộ Lĩnh nhắc nhiều lần đến tuổi thọ hiện có song mỗi người lại nói một kiểu. Nếu thần tiên nói là “thọ nguyên” thì Đinh Bộ Lĩnh lại nói là “nguyên thọ”. Tra cuốn “Hán Việt tự điển” do Thiều Chửu biên soạn và cuốn từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì không tìm thấy từ nào là “thọ nguyên” hay “nguyên thọ”!

Thực ra, đấy chỉ là một ví dụ cụ thể về sự cẩu thả khi lời thoại của phim “Huyền sử vua Đinh” không được trau chuốt kỹ lưỡng, có cảm giác như tiện đâu nói đấy, tiện đâu vay mượn như kiểu xưng “ai gia” của nhân vật Dương Thái Hậu hoặc tự “sáng tác” từ mới kiểu “thọ nguyên”, “nguyên thọ”!

Một điểm trừ nữa của “Huyền sử vua Đinh” là nhiều diễn viên không hợp vai và có lối diễn xuất nghiệp dư, lồng tiếng nghe như phim chưởng Hồng Kông. Chẳng hạn vai Lê Hoàn – một tướng quân thao lược, văn võ song toàn song được trao cho diễn viên thể hiện có gương mặt thiếu đi sự oai dũng và tinh thông.

Nhiều vai diễn khác như Nguyễn Bặc, Phạm Cự Lượng, Phạm Hạp… cũng không toát lên được thần thái của nhân vật cả về ngoại hình lẫn diễn xuất. Ở những cảnh giao chiến diễn viên quần chúng cầm giáo khua khoắng chiếu lệ vẫn lọt khung hình!

Trước ngày ra rạp, đạo diễn Anthony Võ có chia sẻ vì hiểu rằng phim lịch sử cổ trang thường bị khán giả soi kỹ, nhất là trang phục vậy nên ê-kíp sản xuất và sáng tạo đã “đầu tư chỉn chu. Việc tuyển diễn viên, trang phục, bối cảnh, đạo cụ, hóa trang… đều phải kỹ từng chi tiết”.

Trên thực tế “Huyền sử vua Đinh” khiến khán giả ái ngại vì phục trang, đầu tóc khá lộn xộn, trang phục diễn viên quần chúng là những bộ quần áo mới tinh, bóng bẩy. Riêng về bối cảnh thì vẫn còn đó bóng dáng nhà cấp 4 hay cây cột điện xa xa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ