Phim cổ trang Việt: Những tranh cãi ồn ào

GD&TĐ - Đề tài cổ trang hiện là mảnh đất khá hứa hẹn với các nhà làm phim Việt. 

Phim cổ trang Việt: Những tranh cãi ồn ào

Mặc dù được đầu tư khá lớn về kinh phí cũng như quy mô nhưng những bộ phim có đề tài dã sử, cổ trang vẫn khó có thể đáp ứng được nhu cầu và sự hài lòng của khán giả. Phim cổ trang ở Việt Nam luôn là một thách thức với các nhà sản xuất và đạo diễn.

Khó về trang phục

Thời gian qua, bên cạnh các bộ phim cổ trang mang tính “kỷ niệm” do Nhà nước đặt hàng như: Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca, Mỹ nhân… thì những bộ phim cổ trang do các đơn vị tư nhân sản xuất thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả có thể kể đến Thiên mệnh anh hùng, Mỹ nhân kế hay gần đây nhất là Tấm Cám: Chuyện chưa kể...

Nhưng có một thực tế đó là bộ phim cổ trang nào của Việt Nam khi công chiếu cũng đều gây nên những tranh cãi khá ồn ào.

Bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân là một trong những bộ phim điện ảnh Việt có trailer hot nhất trong lịch sử. Thế nhưng vẫn có người cho rằng trang phục trong Tấm Cám khá giống với nước ngoài, không phù hợp với phim cổ trang Việt. Cũng có ý kiến cho rằng, đôi chỗ trong Tấm Cám có trang phục rườm rà, tiểu tiết không cần thiết.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận, phục trang luôn là vấn đề đau đầu với các đạo diễn và nhà sản xuất, vì nó nói lên phần quan trọng về thẩm mỹ của bộ phim, giúp thấy được rõ hơn tính cách nhân vật. Phục trang cho một bộ phim hiện đại đã khó, cho cổ trang càng khó hơn. Nếu như ở Trung Quốc hay Hàn Quốc, vấn đề này có thể được dễ dàng giải quyết bởi những nhà sản xuất trang phục chuyên nghiệp cho phim cổ trang thì ở Việt Nam đây vẫn là một vấn đề nan giải.

Bao giờ chuyên nghiệp?

Không chỉ khó khăn về trang phục, kịch bản phim cổ trang của chúng ta vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Đa phần các phim cổ trang Việt đều được xây dựng dựa trên một câu chuyện lịch sử hoặc một nhân vật lịch sử.

Bộ phim cổ trang doanh thu “khủng” thời gian qua Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng nhận phải “gạch đá” khi kịch bản bị cho là quá dễ dãi. Khán giả có thể dễ dàng đoán được diễn biến phim, tình tiết không có điểm nhấn, càng về cuối mạch phim càng yếu và giải quyết xung đột bằng cuộc chiến hai quái vật đã làm hỏng mạch logic của phim.

Thậm chí ngay cả phim được đánh giá rất cao là Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, ra mắt năm 2010) cũng nhận phải sự phàn nàn khi cố nhồi nhét quá nhiều sự kiện khiến bộ phim mất đi điểm nhấn.

Đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Công việc khó khăn nhất của người đạo diễn là lựa chọn kịch bản phim và diễn viên. Nếu thất bại một trong hai yếu tố đó thì chắc chắn phim đó khó thành công. Bên cạnh đó, phim cổ trang Việt từ trước tới nay vẫn hay bị đem ra so sánh và coi là giống Trung Quốc. Nếu không được như kỳ vọng họ lại lên tiếng chê bai, bình phẩm và so sánh. Đó thực sự là một điều làm khó các nhà sản xuất”.

Thực tế cho thấy, việc đào tạo chuyên sâu về diễn xuất cho phim cổ trang ở ta chưa được chú trọng. Thành ra từ khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ, khí chất... của người diễn viên khi nhập vai vào phim cổ trang đều toát lên vẻ đẹp rất... hiện đại. Vấn đề chuyên nghiệp hóa trong xây dựng phim cổ trang vẫn là bài toán khó.

Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng hi vọng với sự tâm huyết của những người đam mê nghệ thuật thứ 7, và quan trọng hơn là sự ủng hộ của khán giả, dòng phim cổ trang Việt sẽ sớm mở ra một con đường riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...