Tháp Tường Long, nơi “rồng vàng hạ thế”

Tháp Tường Long, nơi “rồng vàng hạ thế”

Hiện vật quý 1.000 tuổi

Trong hàng nghìn công trình Phật giáo đã được xây dựng dưới thời Lý (1010 - 1225), vị trí đầu bảng thuộc về tháp Báo Thiên ở Kinh đô Thăng Long. Tiếp đến là tháp Tường Long ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng).

Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng cho biết: Sử sách ghi lại, tháp Tường Long do vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072), vị vua thứ 3 của triều Lý, đứng ra chủ trì việc xây dựng.

Tháp được khởi dựng vào năm 1058, chỉ sau thời điểm khởi công xây tháp Đại Thắng Tư Thiên (tức tháp Báo Thiên) ở Kinh đô Thăng Long đúng một năm. Tháp Tường Long xứng đáng là biểu tượng đặc sắc của văn hóa Đại Việt ở xứ Đông.

Tháp Tường Long được dựng trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2, thuộc địa phận xã Ngọc Tuyền (nay thuộc địa bàn phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn), bốn góc nghiêng đều vào tâm 19 độ. Lòng tháp rồng và là nơi đặt pho tượng A Di Đà.

Cụ Nguyễn Văn Đới (80 tuổi, khu 2, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) là người đam mê lịch sử, đã tìm hiểu rất nhiều về ngọn tháp Tường Long.

Theo cụ Đới, ở thời Lý, vị trí xây dựng tháp cao 128m so với mực nước biển. Tường Long được coi là tháp cao nhất so với các công trình kiến trúc thời bấy giờ. Công trình này cũng giữ vai trò cảnh báo sự an nguy cho quốc gia. Bởi đây cũng chính là đài quan sát, bảo vệ bờ cõi phía Đông Bắc của Tổ quốc trước họa xâm lăng.

Tháp được xây trên ngọn núi Long Sơn, ngọn núi đầu tiên trong hệ thống núi đồi của Đồ Sơn. Vì vậy từ xa xưa, người dân Đồ Sơn thường gọi núi này là núi Tháp để minh chứng cho sự tồn tại ngọn tháp quý.

Trải qua hàng nghìn năm, tháp Tường Long chỉ tồn tại dưới dạng di tích khảo cổ học. Phế tích tháp chỉ là nền móng tháp hình vuông, lòng tháp rỗng. Những viên gạch được tìm thấy đều có hàng chữ nổi bằng tiếng Hán: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.

Năm 1978, Viện Khảo cổ học kết hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng tiến hành khai quật tháp Tường Long để tìm hiểu về kiến trúc thời Lý. Kết quả, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nền móng tháp xây kiểu giật 3 cấp, móng có hình vuông lòng rỗng.

Ngoài ra, nhiều di vật cũng được phát hiện như gạch xây tháp, bệ tượng A Di Đà bằng đá xanh, chân tảng hoa sen, các con giống đất nung mang hình dáng con vật thiêng như rồng, phượng, chim thần Kinnana (một loại chim hiểu tiếng người).

Hai mươi năm sau, vào năm 1998, tháp được khai quật lại với mục đích giữ chân móng tháp làm “bảo tàng ngoài trời”, chuẩn bị cho phỏng dựng lại ngôi tháp cổ này ở gần với chân móng ngôi tháp cũ.

Lần khai quật này, các nhà khảo cổ phát hiện một nền móng thứ hai. Điều này cho thấy tại khu vực chân tháp Tường Long có thể là một quần thể tháp đã xây dựng. Ngoài gạch xây tháp, di vật được tìm thấy còn có các loại ngói như mũi hài, lòng máng.

Những mảnh đất nung hình rồng trong lá đề cũng được tìm thấy. Trên nền tháp còn có một số hiện vật đá như là dấu vết của các vật được thờ.

Nhờ hai cuộc khai quật nền tháp đã cho các nhà khảo cổ, lịch sử nắm được nét cơ bản về kiến trúc, đề tài trang trí, chất liệu xây dựng. Một lượng hiện vật được lưu giữ lại để phục vụ khách tham quan, chiêm bái. Số còn lại được chuyển đến lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.

Nơi “rồng vàng hạ thế”

Ngọn tháp cao 9 tầng với những kiến trúc độc đáo. Ảnh: T.G.
Ngọn tháp cao 9 tầng với những kiến trúc độc đáo. Ảnh: T.G.

Về tên tháp Tường Long, TS Đoàn Trường Sơn viện dẫn, giải thích: Sách Đại Việt sử lược soạn từ thế kỷ XIII chép: Tháp xây vào năm Mậu Tuất, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 5 (1058). Năm sau (1059), tháng 9, vua ngự ra cửa biển Ba Lộ, nhân đó đến thăm chỗ xây tháp trên núi Đồ Sơn.

Trước đó, Thánh Tông mơ thấy rồng vàng hiện ra ở điện Trường Xuân nên ban cho tháp này tên hiệu là Tường Long, ý muốn ghi lại một điềm lành.

Vì lẽ đó, với người dân địa phương và du khách khi đến với tháp Tường Long, họ luôn tâm niệm hướng tới sự an lành nơi cõi Phật.

Năm 2005, di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Năm 2007, quận Đồ Sơn phỏng dựng lại ngọn tháp. Sau 10 năm khởi công xây dựng, tòa tháp được khánh thành vào năm 2017, cao 9 tầng.

Tháp được xây dựng bằng gạch gốm. Cách trang trí mang đặc trưng của thời Lý với các hoa văn, họa tiết tinh xảo và mềm mại.

Là người dân địa phương, cứ mỗi dịp Tết đến, cụ Đới đều cùng cháu con đến chiêm bái Phật tại tháp Tường Long. Những nét đẹp kiến trúc cùng hiện vật còn lưu giữ ở ngọn tháp 9 tầng khiến cụ tự hào, kể cho con cháu nghe về lịch sử thời nhà Lý.

Bày tỏ nguyện ước, tâm tư cầu mong một năm mới đầy bình an, may mắn cho người dân và du khách, mỗi dịp đầu xuân, “cây điều ước” lại được Ban quản lý di tích, lịch sử, văn hóa quận Đồ Sơn trang trí và được đặt ngay chân tháp.

Bà Lưu Thị Huyền, Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa quận Đồ Sơn cho biết: Người dân địa phương và du khách các tỉnh lân cận đến với tháp Tường Long ngày càng đông. Đầu xuân năm 2018, có 9 vạn khách đến chiêm bái, nhưng đến năm 2019, đã có tới 20 vạn khách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.