Thấp thỏm nguy cơ cháy nổ cột điện

Dây điện như mạng nhện qua các mái nhà
Dây điện như mạng nhện qua các mái nhà

Quá quen với cháy nổ

Tình trạng cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn lạ với bất cứ người dân nào. Vào những mùa thời tiết hanh khô, nắng nóng đỉnh điểm, tình trạng cháy nổ chung cư, nhà cao tầng... xảy ra khá thường xuyên. Riêng trong mùa nắng nóng kỷ lục từ đầu tháng 7 tới nay, tại một số tuyến phố như Kim Ngưu, ngõ 1194 đường Láng... đã xảy ra nhiều trường hợp cháy nổ cột điện do dùng điện quá tải.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số khu dân cư đông đúc như làng Cốm Vòng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), ngõ 1194 đường Láng (Láng Thượng, Đống Đa)... các cột điện được bao quanh bởi vô vàn đường dây điện chằng chéo nhau, kèm theo cả những tấm pano, áp phích quảng cáo treo lủng lẳng... Tình trạng dây điện treo lòng thòng ngay trước cửa nhà đã trở nên quá quen thuộc với người dân. Không chỉ làm mất mỹ quan khu sinh sống, nó còn ẩn chứa nhiều nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Không còn cảm thấy xa lạ với đường dây điện lơ lửng trên đầu, ông Nguyễn Văn Hùng, 66 tuổi, sinh sống tại phường Láng Thượng, Đống Đa cho biết: “Đường dây điện chẳng thấy bớt đi mà ngày càng nhiều hơn. Nó cứ loằng ngoằng trước cổng, trên đường đi, lúc nào cũng như sắp rụng vào đầu. Dù biết như vậy, nhưng dân cần dùng điện, làm sao tháo dỡ được? Ở khu tôi ở, cột điện đầu ngõ cũng cháy hai lần cách đây vài tháng, may mà cháy nhỏ nên không ảnh hưởng nhiều”.

Những cột điện chằng chịt ở các khu chợ cũng rất đáng cảnh báo. Nếu chẳng may, cột điện trong khu chợ phát nổ thì thiệt hại về tài sản sẽ rất khó nói trước. Cô Đinh Thị Thu Huyền, bán hàng tại khu chợ thuộc Trung Hòa, Nhân Chính kể lại: “Tôi đã chứng kiến hai lần cháy cột điện trong khu chợ, tiểu thương và người dân chạy toán loạn. Mấy hôm nay, nắng nóng đỉnh điểm như thế này, nhu cầu dùng điện tăng cao, rất dễ gây quá tải. Tôi đang rất lo lắng, cột điện có thể cháy bất cứ lúc nào.

Tôi đang sống ở một chung cư mini, còn chưa hoàn thiện lối thoát hiểm. Tôi càng lo sợ trăm bề. Nếu cột điện cháy, cháy lan sang khu chung cư thì rất nguy hiểm. Đêm mọi người đi làm về, dùng điều hòa nhiều, nếu cháy nổ mà ngủ say thì không biết thế nào”.

Vẫn phải dùng điện nhiều dù biết quá tải

Các kênh thông tin đại chúng... đều đã đưa thông tin về dùng điện quá tải. Nhưng nhu cầu của người dân lại khó có thể bớt đi khi nhiệt độ trong nhà lúc nào cũng khoảng trên 40 độ C, thậm chí giữ nguyên mức độ gần 40 độ C khi về đêm. Nếu không sử dụng các thiết bị điện như quạt, điều hòa... thì rất khó chịu. Theo các nghiên cứu được công bố, điều hòa là thiết bị điện tiêu tốn nhiều điện năng nhất.

Bà Phạm Thị Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), dùng điều hòa gần như 24/24 vì không thể chịu được nắng nóng. Bà chia sẻ: “Lúc nào nhà cũng hầm hập như cái lò, nếu không dùng điều hòa thì không thể ở được. Quạt hay quạt điều hòa cũng chẳng thấm vào đâu. Chỉ có điều hòa là nhanh mát nhất”.

Với mỗi nhà dân, trung bình cũng có đến một vài chiếc điều hòa. Nhưng đối với những khu trọ cho thuê, khu chung cư thì con số ấy phải lên đến vài chục. Ông Nguyễn Thế Việt, chủ một khu trọ thuộc phường Láng Thượng cho hay: “Mấy hôm nay, tôi đọc báo và có biết tình trạng quá tải điện. Khu trọ của tôi có 7 tầng, gần 40 phòng thì có tới 30 chiếc điều hòa. Nhưng nhu cầu của người thuê trọ, nắng nóng như thế này người ta vẫn phải dùng để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt. Nếu không dùng điều hòa, nhiệt độ ban đêm vẫn rất cao thì không sao ngủ nổi”.

Ông Việt cũng khẳng định thêm: “Nhưng mỗi nhà đều lắp đặt aptomat riêng, nếu có xảy ra tình trạng quá tải thì sẽ tự ngắt điện, không ảnh hưởng đến đường điện chính của khu dân cư. Nhưng nếu xảy ra cháy nổ trong khu này, xe cứu hỏa cũng không vào được vì ngõ nhỏ, tôi chẳng biết phải chữa cháy nổ do đường dây điện bằng cách nào, nhưng chắc chắn là không phải dập lửa bằng nước”.

Dẫu biết dùng điện quá tải sẽ tăng cao nguy cơ cháy nổ, nhưng người dân vẫn bất chấp dùng để giảm nhiệt trong nhà và đảm bảo sinh hoạt. Các cục nóng của điều hòa hàng ngày phả hơi nóng ra môi trường cũng là một nguyên nhân khiến cho nhiệt độ trong khu vực trung tâm tăng cao, có lúc lên đến hơn 50 độ C trong khi nhiệt độ được dự báo chỉ là 40 độ C. Cứ tiếp diễn vòng luẩn quẩn như vậy, dùng thêm nhiều điện khi nắng nóng, nhiệt độ lại tăng cao hơn và lại dùng thêm nhiều điện hơn nữa.

Trong những ngày vừa qua, một số khu dân cư đã xảy ra tình trạng bị mất điện cục bộ do quá tải. Để đối phó với tình trạng đó, tại các khu phố trọng điểm luôn có các công nhân điện túc trực 24/24, thường xuyên kiểm tra các trạm biến áp, đường dây, làm việc bất kể trưa nóng hay đêm khuya để đảm bảo nguồn điện ổn định cho người dân nếu tình trạng mất điện cục bộ do quá tải xảy ra.

Với tình trạng dùng quá tải như hiện tại, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ khi nào. Vì vậy, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị có công suất lớn, đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, để vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm nguy cơ quá tải cục bộ đối với lưới điện. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ giúp khách hàng hạn chế được tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tiếng Việt mùa nước lũ

GD&TĐ - 'Sao kê', 'phông bạt' là những tiếng lóng đang được thịnh hành trên mạng xã hội ở thời điểm này.