Hành trình xóa mù chữ, “thắp sáng” miền núi
Cứ vào 2 ngày cuối tuần, bà Trịnh Thị Ta 56 tuổi ở xóm Ngọc Sỹ, xã Lương Thông, huyện Hà Quảng lại sắp xếp mọi công việc để có mặt tại tại nhà văn hoá xóm lúc 19h tham dự lớp học xoá mù chữ tại đây.
Suốt 3 tháng qua, bất kể ngày nắng hay mưa bà vẫn đến lớp đều đặn, chưa vắng mặt buổi nào. Vượt qua những tự ti ban đầu, đến nay bà đã nhận biết được mặt chữ, ghép vần những chữ cái đơn giản.
Bà Trịnh Thị Ta phấn khởi nói: Mình già rồi nên tiếp thu chậm hơn, nhờ có các thầy cô nên mình cũng đã biết chữ. Biết cái chữ rồi mình vui lắm, giờ muốn sử dụng các thiết bị điện trong gia đình cũng thuận tiện, không phải nhờ con cháu như trước.
Không chỉ đối với bà mà 17 học viên của lớp xoá mù chữ mở tại xóm Ngọc Sỹ, xã Lương Thông đa phần đã có tuổi. Ê a đánh vần từng con chữ như con trẻ cũng xấu hổ. Nhưng sẽ còn xấu hổ, bất tiện hơn là không biết chữ, mọi công việc liên quan đến giấy tờ đều phải cậy nhờ người khác. Hiểu được điều đó, nhận thức của bà con cũng dần thay đổi.
Cô giáo Dương Thị Dung, phụ trách lớp xoá mù tại xóm Ngọc Sỹ, xã Lương Thông, Hà Quảng cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của chính người dân, nên các học viên tham gia học nhiệt tình, đầy đủ. Sau hơn 2 tháng, kết quả học tập đến hiện tại là minh chứng và động lực để người dân trong xã không phân biệt độ tuổi mà theo đuổi con chữ
Xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phòng GD&ĐT huyện Hà Quảng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xóa mù chữ.
Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các Trung tâm học tập cộng đồng tích cực điều tra, tổng hợp, phân tích tình hình thực tiễn, triển khai tuyên truyền, huy động tối đa học viên tham gia.
Bà Hoàng Thị Toàn, hiệu trưởng trường PTDT bán trú TH&THCS Yên Sơn, huyện Hà Quảng chia sẻ: Để người dân hiểu và tự nguyện tham gia các lớp xoá mù, chúng tôi hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác xóa mù chữ đến từng thôn bản. Tập trung vào các đối tượng chưa biết chữ thông qua nhiều hình thức linh hoạt.
Phối hợp với Hội phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ còn mù chữ tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa
Bên cạnh đó, việc bố trí thời gian dạy các lớp xóa mù chữ cho phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào cũng là yếu tố thu hút các học viên đến lớp.
Tạo mọi thuận lợi để người dân đến với con chữ
Với đặc thù là huyện miền núi, giao thông đi lại hết sức khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống thưa thớt, nhà học viên ở xa trường.
Điều kiện kinh tế- xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân còn khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu. Một số người dân trong độ tuổi đi lao động làm ăn xa; một số ít người dân tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhà ở cách xa trường, điểm trường không có nhu cầu đi học.
Việc tuyên truyền, vận động và duy trì sĩ số học viên học các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn. Đối tượng mù chữ theo thống kê còn nhiều, nhưng không ở tập trung mà rải rác ở các thôn cách xa nhau nên rất khó mở lớp…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vận động kiên trì, bền bỉ, sự cố gắng nỗ lực không quản ngại khó khăn của đội ngũ viên chức ngành giáo dục. Dù thiếu thốn về mọi mặt nhưng những thầy, cô giáo vẫn cần mẫn ngày ngày đến lớp, mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Triệu Mùi Dất, 55 tuổi, Xóm Phia Khao, xã Yên Sơn, huyện Hà Quảng chia sẻ: Những năm trước đây, do gia đình còn rất nhiều khó khăn, bản thân tôi không biết chữ nên rất khổ. Khi có việc lên xã làm giấy tờ thì tôi không dám đi vì mình không biết chữ. Từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước, được các thầy cô giáo ở đây vận động, tôi đã theo học lớp xóa mù chữ và giờ đây tôi cũng đã biết đọc, biết viết rồi.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, trưởng phòng GD&ĐT huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: Xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Ngành giáo dục huyện Hà Quảng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia vào công tác xóa mù chữ.
Chính vì vậy nhiều lớp học xóa mù chữ đã được tổ chức đã tạo cơ hội cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết để nâng cao dân trí, góp phần thu hẹp khoảng cách về mặt bằng dân trí giữa các vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác vận động người dân người dân tham gia các lớp xoá mù trên địa bàn huyện Hà Quảng cũng gặp không ít khó khăn do nhiều học viên lớn tuổi ngại đi học, nhiều học viên là lao động chính của gia đình nên để thu xếp thời gian đến lớp cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong năm 2024, huyện Hà Quảng dự kiến mở 4 lớp xoá mù nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ mở được 2 lớp với tổng số 41 học viên.