Thắp sáng di sản văn hóa Hội An giữa Thủ đô

GD&TĐ - Bằng việc tái hiện góc phố cổ…, di sản văn hóa Hội An vừa được thắp sáng và đem đến cho công chúng Thủ đô trải nghiệm quý giá.

Diễn xướng trò chơi bài chòi. Ảnh: VME.
Diễn xướng trò chơi bài chòi. Ảnh: VME.

Như ở… Hội An

Khai Xuân, cùng với các hoạt động gắn với ngày Tết truyền thống luôn được duy trì như hướng dẫn in tranh Đông Hồ, viết thư pháp, múa rối nước, trò chơi dân gian... Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn tổ chức chuỗi hoạt động “Sắc thái văn hóa Hội An”.

Dù là lần thứ hai bảo tàng phối hợp với thành phố Hội An giới thiệu di sản văn hóa của địa phương đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế tại Hà Nội song vẫn nhận được sự quan tâm, nhất là vào dịp cuối tuần có hoạt động điểm nhấn: “Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản”.

Khi đó, du khách được bước vào không gian đẫm sắc màu văn hóa của nơi từng là thương cảng quốc tế sầm uất để khám phá về nghệ thuật dân gian và nghề thủ công truyền thống qua sự thể hiện của 40 người con Hội An.

Một góc phố cổ Hội An được tái hiện ở khu trưng bày ngoài trời trong ánh đèn lồng rực rỡ gắn với hình ảnh các nghệ nhân đang làm gốm (Thanh Hà), mộc và điêu khắc gốc tre (Kim Bồng), đèn lồng...

Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian như: Hò xứ Quảng, “Bả trạo cầu Ngư”, hát sắc bùa; tham gia trò chơi bài chòi, bịt mắt đập niêu và cũng có thể tập hát dân ca…; hay thưởng thức các món ăn truyền thống như: Mì Quảng, bánh đập, cao lầu, bánh bông hồng...

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công nghệ, các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu về Tết truyền thống và văn hóa của Hội An bằng các trải nghiệm qua màn hình tương tác và thi vẽ rồng khám phá về những đứa con của rồng… Hoặc tại không gian phố cổ Hội An, họ có thể check-in những bức ảnh ấn tượng.

“Ngày đầu Xuân, được bước vào không gian phố cổ Hội An ngay tại Thủ đô, tôi có cảm xúc rất đặc biệt. Tôi liên tưởng như thể mình đang thực sự dạo bước ở thương cảng quốc tế năm xưa và thấy khâm phục, quý trọng những đôi bàn tay tài hoa của thợ thủ công.

Một gốc tre tua tủa rễ, không ra hình thù gì nhưng khi được nghệ nhân Hội An cần mẫn chế tác sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời. Hay bên chiếc bàn xoay, nữ nghệ nhân làng nghề truyền thống Thanh Hà khéo léo vuốt gốm rồi ân cần hướng dẫn du khách trải nghiệm.

Tôi cũng mê câu hò xứ Quảng và mạnh dạn bước vào trò chơi bài chòi. Vì vậy, dù đang ở Hà Nội nhưng tôi được trải nghiệm ở không gian thấm đẫm văn hóa Hội An”, sinh viên Tiến Hùng (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) nói.

Được bố mẹ đưa đến bảo tàng dịp này, Lê Minh (học sinh lớp 8, Hà Nội) không chỉ trải nghiệm vuốt gốm mà còn mạnh dạn sử dụng bộ đồ nghề làm mộc do nghệ nhân làng Kim Bồng hướng dẫn.

“Ban đầu, em rất lóng ngóng, có cảm giác đau tay và không thể làm được. Sau được nghệ nhân hướng dẫn, em đã biết cách cầm các dụng cụ để có thể tạo hình sơ sơ trên gỗ…”, Lê Minh thích thú nói.

Trải nghiệm làm gốm Thanh Hà, Hội An cùng nghệ nhân. Ảnh: VME.

Trải nghiệm làm gốm Thanh Hà, Hội An cùng nghệ nhân. Ảnh: VME.

Biểu đạt giá trị tiêu biểu

Theo nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ, người trình diễn điêu khắc gốc tre tại chương trình, du khách rất thích thú khi xem anh thực hiện thao tác và ồ lên khi thấy tác phẩm mới xuất hiện.

“Nhiều bạn trẻ quan sát rất tỉ mỉ và dành nhiều câu hỏi để khai thác câu chuyện và thỏa mãn sự tò mò của bản thân. Chúng tôi rất vui vì điều đó khi nghề truyền thống của Hội An vẫn nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Đó cũng chính là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy sự ngẫu hứng trong sáng tạo đối với mỗi nghệ nhân”, ông Đỏ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, từ niềm vinh dự được Bảo tàng Dân tộc học gửi thư mời và vào làm việc trực tiếp để thống nhất phối hợp tổ chức, những người con Hội An đã cố gắng chắt lọc giới thiệu, biểu đạt những giá trị rất bình dị nhưng tiêu biểu nhất của di sản văn hóa địa phương.

TS Bùi Ngọc Quang – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng cho biết, cùng với trải nghiệm trực tiếp, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động vừa áp dụng công nghệ để tạo ra đa dạng trải nghiệm tương tác thu hút giới trẻ vừa lồng ghép giới thiệu các thông tin văn hóa liên quan. Qua đó đã truyền tải những ý nghĩa của các di sản văn hóa đến đông đảo công chúng một cách đơn giản, dễ hiểu.

“Hoạt động STEM hướng dẫn các em nhỏ cách làm một số đồ chơi gắn với chủ đề Tết để tìm hiểu các kiến thức khoa học cũng được giới thiệu làm phong phú thêm các trải nghiệm. Từ đó góp phần làm đa dạng hình thức tiếp cận công chúng, để đưa di sản văn hóa đến với thế hệ trẻ”, ông Quang nhấn mạnh.

“Thành phố Hội An chúng tôi rất vinh dự được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam gửi thư mời và vào làm việc trực tiếp để bàn thống nhất phối hợp tham gia tổ chức thực hiện chương trình này.

Tuy gặp không ít trở ngại, khó khăn trong thời điểm tập trung tổ chức một cái Tết thật sự ấm cúng và tươm tất tại quê nhà, song chúng tôi vẫn luôn nỗ lực đem đến một chương trình thú vị cùng sự hài lòng cho đồng bào Thủ đô vốn nặng lòng yêu mến và muốn tìm hiểu về văn hóa Quảng Nam, văn hóa miền Trung; đồng thời góp phần làm ấm thêm tình cảm và tâm thức hướng về cố hương của bà con phố Hội, bà con Quảng Nam xa xứ đang sinh sống tại Thủ đô.

Đây cũng là dịp giới thiệu những nét đặc sắc của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian trong hành trình Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, Quảng Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ