Thắp lửa tri thức ở rừng U Minh

GD&TĐ - Đi đôi với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự học vùng đất U Minh Hạ đây đang có nhiều tiến bộ...

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn hướng dẫn học sinh viết bài.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn hướng dẫn học sinh viết bài.

Vùng đất U Minh Hạ (U Minh, Cà Mau) từng được xem là nơi có trình độ dân trí thấp; nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường, học sinh bỏ học cao... Tuy nhiên, đi đôi với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự học nơi đây đang có nhiều tiến bộ.

Những đổi thay

Trường Tiểu học Đào Duy Từ nằm trên địa bàn xã Khánh Thuận - một trong những xã đặc biệt khó khăn huyện U Minh. Trường thành lập năm 2009, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nghiêm trọng; có nhiều điểm lẻ, điểm chính chỉ có 4 phòng học nên dạy cả 2 buổi sáng, chiều. Đội ngũ giáo viên bấy giờ cũng ít do không ai chịu về vùng sâu, xa.

Cô Nguyễn Hồng Diễm từ huyện khác về Trường Tiểu học Đào Duy Từ giảng dạy, gắn bó với học sinh vùng rừng U Minh Hạ được gần 20 năm. “Ngày trước, cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển, giáo viên cũng như học sinh đến trường chủ yếu bằng đò hoặc đi bộ.

Những ngày nắng, đi lại đỡ vất vả, nhưng đến mùa mưa, đường đất lầy lội, đến trường rất khó khăn. Học sinh vùng rừng chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo… nên thường xuyên bỏ học. Giáo viên sáng dạy học, chiều phải đến nhà vận động trò đến trường”, cô Diễm nhớ lại.

Thầy Cao Văn Đượm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến năm 2021, trường bắt đầu được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Xã đưa vào diện đặc biệt khó khăn nên thu hút được giáo viên về dạy. Hạ tầng giao thông đường bộ bắt đầu phát triển, học sinh đến trường thuận tiện hơn. Được các cấp chính quyền, nhà hảo tâm hỗ trợ nên tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Trường đã xóa được 3/4 điểm lẻ”, thầy Đượm chia sẻ.

Với sự phấn đấu, nỗ lực vượt khó, cuối năm 2023, thầy và trò Trường Tiểu học Đào Duy Từ đón niềm vui lớn khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. “Kể từ khi được công nhận trường đạt chuẩn, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt; tỷ lệ học sinh ở lại lớp giảm còn hơn 3%. Hằng năm, trường có nhiều giáo viên, học sinh tham gia các hội thi cấp huyện, tỉnh đoạt giải”, thầy Đượm phấn khởi chia sẻ.

Giờ tan lớp của học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Giờ tan lớp của học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Khánh An) cũng là một trong những điểm sáng về giáo dục huyện U Minh. “Trước đây, trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất; thiếu giáo viên; học sinh đa phần diện hộ nghèo, cận nghèo. Sau khi ghép với Trường Tiểu học Trường An, trường được đầu tư xây mới, trang thiết bị dạy và học được trang bị đầy đủ; đội ngũ giáo viên từng bước chuẩn hóa, phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Hằng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học và chương trình tiểu học đạt trên 95%; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số không ngừng đẩy mạnh. Học sinh được tạo điều kiện tham gia học ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng, hoạt động phong trào, hội thi và đạt nhiều thành tích. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chuẩn bị các điều kiện để công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”, thầy Lê Văn Khắp - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Sau 45 năm hình thành và phát triển, sự nghiệp giáo dục U Minh có nhiều thay đổi, trước đây toàn huyện chỉ có vài điểm trường tiểu học, nhưng hiện phát triển lên 41 trường (9 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường tiểu học và THCS) với tổng số gần 16 nghìn học sinh, 552 lớp.

Chia sẻ thông tin, ông Huỳnh Việt Bắc - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện U Minh đồng thời cho hay: Huyện hiện có 34/41 trường được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt gần 83%. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường hằng năm trên 98%; tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 2%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, THPT đạt trên 99%.

Giờ tập thể dục của học sinh Trường Tiểu học Đào Duy Từ.

Giờ tập thể dục của học sinh Trường Tiểu học Đào Duy Từ.

Tiếp tục nỗ lực

Bên cạnh những bước tiến vượt bậc, sự nghiệp giáo dục huyện U Minh còn một số khó khăn, hạn chế so với mặt bằng chung của tỉnh. Đó là, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các điểm trường chưa được đầu tư đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện nhưng chưa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao.

Toàn huyện còn 16 điểm trường lẻ; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra. Đặc biệt, U Minh là huyện vùng sâu, xa, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Nhiều hộ trong số đó đi làm ăn xa, gửi con lại cho ông, bà; ít quan tâm đến việc học tập nên tỷ lệ học sinh bỏ học, ở lại lớp còn tiềm ẩn.

“Phòng GD&ĐT tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND huyện những chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục; trong đó quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; có giải pháp khắc phục khó khăn trong tuyển dụng giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0”, ông Huỳnh Việt Bắc chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Hồng Thịnh, huyện sẽ triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các cấp học trên địa bàn; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để giáo viên vùng sâu, xa an tâm công tác.

Đặc biệt, huyện tập trung phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư hạ tầng giao thông hoàn chỉnh; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhằm tạo mọi điều kiện cho học sinh được cắp sách đến trường thuận tiện, không để các em vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học.

“Huyện U Minh đang triển khai xây dựng Trường THPT U Minh (thị trấn U Minh) giai đoạn 1; Trường Tiểu học - THCS Trần Quốc Toản (xã Khánh Tiến); Trường Tiểu học - THCS Ðỗ Thừa Tự (xã Khánh Thuận), Trường Mẫu giáo Hoa Tường Vi (xã Khánh An).

Ðồng thời, hoàn thành nâng cấp, sửa chữa Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Khánh Lâm); Trường Tiểu học Nguyễn Văn Hài (xã Khánh Hòa) và Trường Tiểu học Vương Nhị Chi (xã Nguyễn Phích) với tổng nguồn kinh phí hơn 110 tỷ đồng. Các công trình này đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương”, ông Lê Hồng Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ