Tháo gỡ vướng mắc trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND

Tháo gỡ vướng mắc trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND

Nhiều đại biểu cho rằng, khác với các cuộc bầu cử trước, cuộc bầu cử lần này là cuộc bầu cử “2 trong 1” cho nên khối lượng công việc phải chuẩn bị rất lớn, một thành viên của mỗi tổ chức phụ trách bầu cử có thể trưng dụng vào nhiều công việc… do vậy, cần quy định thỏa đáng về thời gian công bố ngày bầu cử cũng như thời gian thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức này thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Điều 14 dự án Luật quy định: chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, UBTVQH thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương để thực hiện công tác bầu cử ĐBHQ và Đại biểu HĐND các cấp. Điều 16 quy định: Ủy ban bầu cử được thành lập chậm nhất trước 95 ngày trước ngày bầu cử…

Tháo gỡ vướng mắc trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND ảnh 1
Nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng thời gian thành lập hội đồng bầu cử lên để có thời gian chuẩn bị tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội Đặng Huyền Thái (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần tăng thời gian thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử sớm hơn 10 ngày vì thực tế công tác chuẩn bị của những cuộc bầu cử trước đây hầu như rất cập rập.

Hai đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (đoàn Nghệ An), đại biểu Sùng Thị Chư (đoàn Yên Bái) đề nghị, cần tăng thời gian thành lập hội đồng bầu cử ở trung ương từ 105 ngày lên ít nhất 120 ngày để các bước hiệp thương và các bước khác được chuẩn bị tốt hơn.

Theo Điều 46 dự ánLuật, số người trong danh sách ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu cử ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử đó được bầu 3 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu cử ít nhất là 2 người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định. Thảo luận về vấn đề này, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định này chưa bảo đảm tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên và cũng chưa tạo điều kiện cho cử tri có nhiều sự lựa chọn. Theo đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang), quy định như dự án luật là chưa khoa học. Đề nghị ở các đơn vị không bầu quá 3 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất 2 người.

Đại biểu Lương Phan Cừ (đoàn Đăk Nông) cho rằng, Luật Bầu cử ĐBQH hiện hành chỉ quy định chung là số người trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Thực tế bầu cử thời gian qua cho thấy, số dư thường chỉ có từ 1 - 2 người, điều này đã làm hạn chế sự lựa chọn của cử tri. Lần này, dự án Luật sửa đổi theo hướng số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 2 người là một bước tiến, bảo đảm sự lựa chọn dân chủ của người dân tốt hơn. Tuy nhiên, nên quy định cứng số dư ít nhất là 2 đại biểu và đồng thời không nên đặt vấn đề trường hợp bất khả kháng vì việc chuẩn bị nhân sự có vai trò hết sức quan trọng.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Huỳnh Văn Tý (đoàn Bình Thuận) nêu ý kiến, dự án Luật nên quy định cứng để bảo đảm các cuộc bầu cử ngày càng dân chủ, rộng đường cho cử tri lựa chọn những người xứng đáng nhất và đồng thời có điều kiện giải quyết các trường hợp bất khả kháng.  

Ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, quy định như dự án luật là khá phù hợp nhưng cần bổ sung quy định bảo đảm cân bằng về giới tính thì mới bảo đảm được tỷ lệ nữ ĐBHQ chiếm 30% số đại biểu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...