Chủ động
Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) cho biết: Trong tháng 8, trường tập trung bồi dưỡng giáo viên lớp 1, lớp 2 và lớp 3 theo CTGDPT 2018 và tổ chức cho giáo viên lớp 4, lớp 5 dạy nhắc lại CT GDPT hiện hành. Trường yêu cầu tất cả giáo viên nghiên cứu bản mềm sách giáo khoa lớp 3 phiên bản điện tử của các NXB (có sách được chọn) để hiểu kỹ nội dung dạy học.
Để triển khai CT GDPT 2018 mới lớp 3 hiệu quả, trường chọn cả giáo viên các khối 4 và 5 do đó phải triển khai dạy thực nghiệm một số tiết giúp giáo viên có cơ hội thảo luận, chia sẻ và cùng tổ chuyên môn tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu lại thông tư đánh giá học sinh (Thông tư 30, 22 với lớp 4, lớp 5; Thông tư 27 đối với các lớp 1, 2 và 3); trao đổi về cách đánh giá thường xuyên, định kỳ để thêm vững vàng và đánh giá học sinh chuẩn nhất.
Triển khai song hành 2 CT GDPT đối với Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) diễn ra thuận lợi bởi đã bước sang năm thứ 3. Mặt khác, Bộ, sở/phòng đã tổ chức tập huấn bài bản nên chuyên môn của đội ngũ giáo viên đảm bảo, không còn bỡ ngỡ.
Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Minh, nhà trường đã đảm bảo cơ sở vật chất để dạy song hành 2 chương trình cho 31 lớp, 1.400 học sinh toàn trường. Phòng học chuyên biệt Tiếng Anh, Tin học, Mỹ Thuật, Âm nhạc đầy đủ. Giáo viên Tiếng Anh, Tin học mỗi môn có 1 song có thể hợp đồng thêm (nếu cần thiết) không khó bởi nguồn tuyển với các trường thành phố thuận lợi.
Trường Tiểu học Kỳ Phú (Nho Quan, Ninh Bình) thuộc vùng khó huyện Nho Quan nhưng thầy Trịnh Văn Cường, Hiệu trưởng phấn khởi chia sẻ các điều kiện cho năm học mới, đặc biệt việc triển khai song hành 2 chương trình đã sẵn sàng theo công văn hướng dẫn 2345 của Bộ. Toàn bộ giáo viên đã nghiên cứu kỹ càng để xây dựng kế hoạch nhà trường, tổ, cá nhân phù hợp.
Với môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ khối 3, trường đã bố trí xong phòng học chuyên biệt đầy đủ trang thiết bị, máy tính. Giáo viên Tiếng Anh, Tin học còn thiếu, trường đã tham mưu UBND huyện tuyển bổ sung, mặt khác bố trí giáo viên Tiếng Anh dạy liên trường. Trường hợp giáo viên Tin học khó khăn, chưa triển khai kịp ở học kỳ I trường sẽ đề xuất dạy học công nghệ trước, Tin học dạy ở học kỳ II. Như vậy vẫn đảm bảo học sinh được học Tin học theo quy định CT GDPT 2018.
Thầy Cường cũng cho biết, chuyên môn giáo viên dạy lớp 4, lớp 5 không là vấn đề lo lắng. Tuy nhiên trường vẫn tổ chức tập huấn các chuyên đề, đặc biệt giáo viên khối 5 tập huấn theo công văn 3799, tiếp cận với nội dung, phương pháp dạy học mới giúp học sinh lớp 5 có thể bắt nhịp ngay với CT GDPT mới khi lên lớp 6.
Bước vào năm thứ 3 triển khai song hành 2 CTGDPT, chuyên môn của đội ngũ giáo viên đều được các nhà trường chuẩn bị kỹ càng. Song vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên dạy học 2 môn Tin học, Ngoại ngữ với trường vùng khó vẫn cần giải pháp lâu dài.
Trong khi đó, Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học Xín Cái, thuộc vùng khó huyện Mèo Vạc, Hà Giang có 903 học sinh (100% học sinh dân tộc), 39 lớp, 1 trường trung tâm và 14 điểm lẻ nên điều kiện cơ sở vật chất cho dạy học còn thiếu thốn. Triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc lớp 3 trong năm học mới vẫn đứng trước thách thức.
Thầy Đào Văn Long, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Phòng học Tin học, Tiếng Anh chuyên biệt “trắng”, giáo viên Tiếng Anh thiếu, chỉ có duy nhất giáo viên văn bằng 2 Tin học đảm nhiệm dạy tất cả khối 3. Nếu nhà giáo nghỉ ốm, chế độ… việc thay thế không dễ.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) chuẩn bị sách vở tựu trường. Ảnh: NTCC |
Triển khai hiệu quả
Theo TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), các địa phương cần chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 theo các văn bản hướng dẫn chuyên môn đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Cụ thể, đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình...
Đối với cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình, đơn vị chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn học tự chọn, hoạt động củng cố và nội dung giáo dục khác. Nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên...
Đối với lớp 4, lớp 5, trên cơ sở CTGDPT 2006, các sở/phòng giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với CT GDPT 2018.
Tích cực, chủ động tham mưu chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp, sĩ số học sinh/lớp theo quy định; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh. Tổ chức dạy học cho học sinh lớp 5 để được chuẩn bị học lớp 6 theo CTGDPT 2018 theo hướng dẫn tại Công văn số 3799 của Bộ GD&ĐT.
Dù khó khăn, trường vẫn quyết tâm vừa làm vừa tháo gỡ. Trước mắt dồn toàn bộ học sinh lớp 3 về trường chính để được học 2 môn bắt buộc. Mặt khác, tiếp tục đề xuất chính quyền huyện đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung giáo viên, huy động hỗ trợ mở rộng trường chính để đưa học sinh khối 4, 5 về học tập sinh hoạt ở các năm tiếp theo… - Thầy Đào Văn Long