Tháo gỡ vướng mắc cơ chế tự chủ đại học

GD&TĐ - Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đại học còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ.

Sinh viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Thực tế này đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 99).

Nhận diện khó khăn

Nhìn từ bối cảnh hiện nay, PGS.TS Bùi Thế Đồi - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng, tự chủ đại học là xu thế và đã có những văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Trường ĐH Lâm nghiệp cũng xây dựng đề án hướng tới tự chủ. Tuy nhiên, việc này không dễ bởi phải giải quyết bài toán đội ngũ cán bộ, viên chức và duy trì ngành nghề đào tạo.

“Khi tự chủ, sẽ có ngành nghề đào tạo phải loại bỏ hoặc phát triển trong bối cảnh mới, nhằm bảo đảm cân đối tài chính. Vấn đề thống nhất giữa Ban giám hiệu và Hội đồng trường, Đảng ủy... cũng cần tính đến và trở thành thách thức lớn” - PGS.TS Bùi Thế Đồi chia sẻ, đồng thời cho biết, Trường ĐH Lâm nghiệp xác định sẽ thực hiện lộ trình tự chủ từng bước, không lập tự chủ hoàn toàn. Đây cũng là thực trạng chung của các trường công lập.

Từng có thời gian làm công tác tư vấn, GS.TSKH Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ nhận thấy, cần có giải pháp để nghiên cứu chính sách hiệu quả hơn. Còn khoảng trống trong nghiên cứu, giữa nhà hoạch định, thực thi chính sách hay những người nghiên cứu ở cấp cơ sở.

GS.TSKH Đặng Ứng Vận mong muốn, vấn đề cần đẩy mạnh thời gian tới là: Khi nghiên cứu tự chủ nên tổ chức những nhóm phối hợp để cùng xây dựng chính sách. Có như vậy các cơ chế, chính sách mới sát thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống.

Các học viên Trường ĐH Lâm nghiệp trong ngày nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ. Ảnh: Website nhà trường

Các học viên Trường ĐH Lâm nghiệp trong ngày nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ. Ảnh: Website nhà trường

Liên thông và nhìn về một hướng

Ở góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TPHCM nêu quan điểm, để bảo đảm thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường, cần có sự thống nhất, đồng lòng từ Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu đối với các chủ trương lớn. Các chiến lược phát triển của trường trong 5 - 10 năm làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm. Từ đó, mọi tổ chức, cá nhân phải chấp hành và thực hiện chiến lược, kế hoạch.

Ngoài ra, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu. Mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu thể hiện qua văn bản thống nhất giữa các bên dựa trên cơ sở pháp lý đã có; Đồng thời, tôn trọng chức trách, nhiệm vụ lẫn nhau. Nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn từng tổ chức và thành viên trong tổ chức, với mục tiêu tối thượng “thực hiện thành công chiến lược phát triển trường đã thông qua”.

Khi có những vấn đề phát sinh, cần gặp gỡ trao đổi, thống nhất giải pháp giữa Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng. Nếu vấn đề chưa thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận trong tập thể lãnh đạo. Quy định trong giao ban hàng tuần, tháng của Ban giám hiệu luôn có sự hiện diện của Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng để nắm thông tin và có ý kiến chỉ đạo.

PGS.TS Bùi Thế Đồi nhìn nhận, các trường cần chủ động tìm giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên… để sinh viên ra trường ở những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau có thể hoà nhập với bối cảnh, yêu cầu mới. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có sự liên thông, trao đổi để giúp “sản phẩm đầu ra” ở mặt bằng chung.

Cơ chế, chính sách riêng cho trường tự chủ

Cho rằng, việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn nhiều khó khăn, lúng túng, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, đang có sự nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho trường đại học với việc Nhà nước phân quyền cho cơ sở, cũng như với đòi hỏi cơ sở phải tự túc về tài chính.

Luật pháp không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai không thống nhất. Hiện nay, đang có sự lẫn lộn, xung đột giữa cơ chế tự chủ với chủ quản, mà chủ quản mạnh hơn cũng có nghĩa tự chủ nhưng vẫn chưa theo đúng nghĩa. Nếu kéo dài tình trạng này, thì chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học sẽ không có lối ra để có thể nhanh chóng trưởng thành.

Theo TS Lê Viết Khuyến, giải quyết tình trạng này nằm ngoài khả năng của Bộ GD&ĐT, mà cần có chỉ đạo của cấp cao, giao cho các cơ quan liên quan thực hiện theo chức năng về tham mưu việc điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng nhất quán thực hiện chủ trương tự chủ đại học.

Hiện nay, tuy chưa đầy đủ nhưng có sự không đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với nhiều luật, nghị định và hướng dẫn như Luật Ngân sách, Đầu tư công, Quản lý tài sản công, Đấu thầu, Xây dựng, Viên chức…

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC

Từ thực tế trên, TS Lê Viết Khuyến nêu một số quan điểm cần được thống nhất sớm trong lãnh đạo các cấp để mở đường cho giáo dục đại học Việt Nam có tự chủ đích thực. Cụ thể, không đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ, trái lại cần tăng cường hỗ trợ cho các trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như những nơi xứng đáng được tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học công lập, cần xóa bỏ cơ quan chủ quản. Trao quyền tự chủ cần xác định trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho cá nhân, mà phải là tập thể lãnh đạo. Tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường - đó chính là Hội đồng trường.

Bởi vậy thành lập Hội đồng trường cần xác định là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Những thành viên tham dự Hội đồng trường phải là những người tiêu biểu và đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải chỉ được cơ cấu vào cho đầy đủ thành phần. Đó là nguyên tắc hàng đầu khi thành lập Hội đồng trường.

Ngoài ra, TS Lê Viết Khuyến cũng cho rằng cần có hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán, phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, để có được sự đồng bộ của các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó; bởi vậy muốn thực hiện thuận lợi trao quyền tự chủ cho các trường, Nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ.

Trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền/cơ chế chủ quản như cũ. Cần thay đổi cơ cấu và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ. Phải gắn liền việc trao quyền tự chủ với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của trường đại học.

Trao đổi về một số nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục đại học báo cáo kết quả thực hiện và có kiến nghị, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 99. Bộ GD&ĐT cho rằng, trên cơ sở nội dung kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục đại học, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99.

Ngoài các vấn đề liên quan đến Hội đồng trường, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học; điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học, hoạt động, trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Dự thảo cũng quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; đồng thời bổ sung yêu cầu cơ sở giáo dục đại học phải công khai toàn bộ nguồn thu, chi và cơ cấu các khoản thu, chi; cơ cấu chi từ nguồn học phí cần bảo đảm phù hợp các quy định liên quan.

Ngành Giáo dục sẽ kiến nghị sửa đổi các luật liên quan đến hoạt động tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ, xã hội hóa trong giáo dục đại học. Các ngành tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ…

Khảo sát của Bộ GD&ĐT năm học 2022 - 2023 đối với 232 cơ sở giáo dục đại học cho thấy, có 32,76% số trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% số trường tự bảo đảm chi thường xuyên; 7,33% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 9,05% số trường có kế hoạch sẽ tự bảo đảm chi thường xuyên; 33,62% số trường hiện đang tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác; 3,45% số trường đang được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ