Tháo gỡ nghịch lý

GD&TĐ - Kết thúc năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT cho biết, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tiếp tục tồn tại ở hầu hết địa phương.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo thống kê, cả nước còn thiếu gần 113.500 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Thiếu nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp, Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật... Đáng nói, dù thiếu giáo viên trầm trọng nhưng tình trạng sinh viên sư phạm ra trường chưa được vào biên chế cũng không ít.

Năm 2023, Quảng Nam tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục. Tuy nhiên, có đến gần 3.700 thí sinh không thể trở thành giáo viên. Đây cũng là con số đáng suy ngẫm. Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66 nghìn biên chế cho ngành Giáo dục đến năm 2026. Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, các địa phương mới tuyển được trên 15.500 giáo viên.

Không ít người băn khoăn, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp vẫn không xin được việc; thậm chí số người làm trái nghề không ít. Có vô vàn lý do khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng này. Cũng có thể, do sinh viên tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo của Luật Giáo dục năm 2019.

Ngoài ra, có người tham gia kỳ thi tuyển dụng viên chức nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển. Có trường hợp từ chối vào ngành Giáo dục vì chưa đủ sức hút về tiền lương và chế độ ưu đãi. Song có thực tế là, nhiều địa phương phải “để dành” chỉ tiêu để “ứng phó” với việc tinh giản biên chế cơ học.

Rõ ràng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân sư phạm không xin được việc trong khi vẫn thiếu giáo viên trầm trọng. Song khách quan mà nói, sự thiếu hụt giáo viên tập trung chủ yếu ở một số vùng nông thôn, sâu xa… những nơi có điều kiện khó khăn. Trong khi đó, không ít cử nhân sư phạm lại muốn làm việc ở thành phố lớn nên không có nhiều cơ hội để trở thành viên chức ngành Giáo dục.

Trước thực trạng trên, Bộ GD&ĐT đã triển khai, đề xuất nhiều giải pháp; trong đó có kiến nghị “hạ chuẩn” giáo viên. Nghĩa là, cho phép địa phương được tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng, sau đó nâng chuẩn với các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Với đề xuất này, Bộ GD&ĐT dự tính sẽ thu hút khoảng 10.000 giáo viên trình độ cao đẳng.

Trước thềm năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát số chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có để bổ sung cho ngành Giáo dục năm học 2024 - 2025. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao bảo đảm số và chất lượng; trong đó ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu. Mặt khác, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở nhằm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Từ đó, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Song, giải pháp căn cơ nhất vẫn là cải thiện chế độ ưu tiên lương bổng của giáo viên. Muốn vậy, cần sớm ban hành Luật Nhà giáo nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn của nghịch lý nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.