Nỗ lực từ địa phương
Tại Lào Cai, tới nay, 100% số trường tiểu học (TH) đã tổ chức dạy học 9 - 10 buổi/tuần. Việc triển khai đổi mới một số phương pháp dạy học (PPDH) diễn ra khá tích cực với 170/196 trường có HS TH thực hiện mô hình trường học mới; 100% các trường TH áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột…
Đặc biệt, kết thúc năm học 2018 - 2019 Lào Cai đã có 32.425 HS trong 182 trường TH học tin học (tăng 6,28%). Có 135 trường có phòng học tin học. Tỉ lệ HS học ngoại ngữ từ lớp 3, 4, 5 cũng tăng đáng kể với 82,89%.
Tuyên Quang – tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn song giáo dục TH đã triển khai được chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án NNQG cho 100% các trường từ lớp 3 - 5 với tỉ lệ HS học tiếng Anh đạt 95,2%. Cùng đó, ngành GD-ĐT Tuyên Quang còn triển khai thí điểm chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh lớp 1, 2; chương trình tiếng Anh bổ trợ do GV nước ngoài giảng dạy cho HS từ lớp 3 - 5.
Không chỉ tăng cường về số lượng HS học ngoại ngữ, ngành Giáo dục Tuyên Quang còn đa dạng các hình thức tổ chức dạy học gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống một cách thiết thực. Tổ chức tốt các hoạt động giao lưu với quy mô từ cấp trường đến cấp Sở. 200 tiết học theo phương pháp STEM đã được tổ chức. Mỗi trường TH thành lập được ít nhất 1 CLB học tập theo phương pháp mới.
Bên cạnh nỗ lực tạo tiền đề về dạy học ngoại ngữ, tin học, tăng cường đổi mới PPDH… tại nhiều địa phương công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn hệ thống trường, lớp, quy hoạch đáp ứng các yêu cầu triển khai CTGDPT mới cũng thể hiện tín hiệu tích cực. Tại Bắc Kạn năm học vừa qua đã giảm 5 trường TH, giảm 25 điểm lẻ, giảm 27 lớp; tăng 4 trường TH&THCS. Bắc Giang, bậc TH năm qua đã giảm được 5 điểm lẻ, tăng 96 lớp, số lớp ghép còn 12 lớp (giảm 23 lớp).
Đặc biệt, nhiều địa phương còn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ GV. Tính đến tháng 5/2019, giáo dục Bắc Ninh có đội ngũ GV TH cơ bản đủ về số lương, đồng bộ về cơ cấu, đạt tỉ lệ 1,47 GV/lớp; 100% đạt chuẩn, trong đó 96,1% đạt trên chuẩn.
|
Tháo gỡ khó khăn
Theo chia sẻ từ các địa phương trước thềm CTGDPT mới đi vào triển khai, giáo dục TH còn khó khăn cần tháo gỡ.
Trước hết, việc nâng cao tỉ lệ HS được học Tin học cần được quan tâm chú trọng bởi đây sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 1 khi triển khai CTGDPT mới trong khi tỉ lệ HS được học tin học tới nay ở nhiều địa phương còn khá thấp. Tại Cao Bằng, tính đến hết năm học 2018 – 2019, chỉ có 8.471 HS (18,1%) học Tin học; Sơn La số HS học Tin học đạt 12,4%; Đặc biệt tại Bắc Kạn tỉ lệ HS học Tin học rất thấp với 1,3%; Ninh Thuận dạy học Tin học được 687 HS chiếm 2,15%...
Tình trạng HS TH bỏ học vẫn diễn ra ở một số địa phương cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc đảm bảo duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Một số địa phương có tỉ lệ HS bỏ học cao ở năm học vừa qua như: Đắk Lắk; Kon Tum; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Thuận; Đồng Tháp…
Với khó khăn trên, TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng: Các địa phương cần tập trung khắc phục, giải quyết một số vấn đề cơ bản.
Trước hết, cần có lộ trình chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để nâng cao tỉ lệ HS TH được học 2 buổi/ngày cũng như tỉ lệ HS được học Tin học.
Chuẩn bị tốt cho các điều kiện thực hiện việc triển khai CTGDPT 2018, trong đó quan tâm tới đối tượng HS có hoàn cảnh khó khăn. Có giải pháp hiệu quả hơn nữa để xóa bỏ tình trạng học sinh bỏ học.
Các địa phương cần tăng cường hơn nữa tới việc giáo dục kĩ năng an toàn cho HS, bảo đảm an toàn trong các nhà trường. Cần tăng tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường giáo dục đạo đức nhà giáo…
Toàn quốc hiện có 13.995 trường TH (với 17.609 điểm trường), tỉ lệ trung bình trường TH/xã là 1,25; tỉ lệ trung bình điểm trường/trường TH là 1,26; nhiều trường TH có từ 3 - 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng miền núi). Với quy mô trường và điểm trường như trên việc thực hiện sáp nhập các trường TH có quy mô nhỏ lại với nhau hoặc trường TH với THCS có quy mô nhỏ, hoặc sáp nhập các điểm trường lại với nhau là việc cần thiết để đảm bảo thực hiện hiệu quả CTGDPT mới bậc TH từ năm học 2020 - 2021.