Tháo gỡ khó khăn cho các trường tư thục trong quá trình tự chủ

GD&TĐ - Để tháo gỡ khó khăn cho các trường tư thục trong quá trình tự chủ, đặc biệt là góp ý xây dựng, sửa đổi cơ chế tự chủ tuyển sinh cho các trường tư ngay từ quy trình, hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019, chiều ngày 2/10 đã diễn ra cuộc tọa đàm: “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019” với sự tham gia của bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13, Luật sư Nguyễn Kiến Thiết, Trưởng văn phòng luật sư Kiến Thiết cùng đại diện các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội. 

Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước bằng cơ chế thay vì thủ tục hành chính

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Khoản 3, Điều 60 (Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường), Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định:

Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Về công tác tuyển sinh, Điểm b), Khoản 1, Điều 60 nói trên quy định:

Nhà trường có nhiệm vụ và quyền hạn: Tổ chức tuyển sinh, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền;

Nội dung quản lý nhà nước về giáo dục bao gồm tuyển sinh, theo Khoản 4, Điều 104:

Quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; khung trình độ quốc gia; tiêu chuẩn nhà giáo; tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học; việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình; việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý nhà nước đối với hoạt động tuyển sinh của các trường tư thục vẫn áp dụng mô hình quản lý nhà nước của hệ thống trường công lập (phân chỉ tiêu), cùng một kế hoạch, thời gian, thậm chí phương thức.

Cách làm này không chỉ hạn chế quyền và cơ hội lựa chọn của học sinh đầu cấp, làm giảm hiệu quả giảm tải áp lực sĩ số cho trường công lập, mà còn kìm hãm quyền tự chủ của các trường tư thục, bất bình đẳng công - tư, cản trở khả năng phát triển của giáo dục tư thục theo chủ trương, chính sách xã hội hóa.

Đặc biệt với cách quản lý nhà nước về tuyển sinh như hiện nay, khiến cho các trường tư thục mới thành lập, các trường tư thục tốp dưới còn gặp nhiều khó khăn càng khó khăn hơn.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường trao đổi tại tọa đàm
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường trao đổi tại tọa đàm 

Tọa đàm đã lắng nghe ý kiến của các cơ sở giáo dục, nhà giáo, nhà đầu tư...tìm kiếm các giải pháp khơi thông cơ chế, góp ý trực tiếp vào việc hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019 về công tác tuyển sinh của hệ thống trường tư thục.

Làm sao để khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019, tháo được nút thắt cơ chế tuyển sinh, vừa đảm bảo giúp các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng cơ chế thay vì thủ tục hành chính và các loại giấy phép.

Xóa  cơ chế xin - cho

Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT, nguyên Hiệu trưởng Trường THPTDL Lômônôxốp, hiện nay tuyển sinh của các trường dân lập vẫn theo cơ chế xin - cho. Nên chăng cần bỏ cơ chế xin – cho trong việc quản lý trường ngoài công lập?

Bà  Nguyễn Thị Vân Anh, thành viên Hội đồng quản trị Trường tiểu học và trung học cơ sở Everest  cho rằng, khi trường tư thục đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất cho công tác tuyển sinh thì nên để các trường tư thục được tuyển sinh liên tục trong năm.

Không nên giao chỉ tiêu tuyển sinh cho nhà trường mà nên để các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh theo nhu cầu. Cần hoàn thiện cơ chế để cha mẹ kiểm soát hoạt động giáo dục của nhà trường.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến của các nhà trường đều thống nhất cho rằng nên để các nhà trường tự chủ tuyển sinh. Trường tư thục là doanh nghiệp đặc thù, mang yếu tố vừa tuân thủ theo Luật doanh nghiệp, vừa tuân thủ theo Luật GD.

Việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay đang theo cơ chế xin - cho làm cho các trường mất đi sự tự chủ, đi ngược lại mục tiêu xã hội hóa GD và đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nên chăng nhà nước chỉ cần quản lý chất lượng đầu ra khi các trường dân lập tự chủ về tuyển sinh.

Các ý kiến đóng góp tại tọa đàm nhằm khơi thông cơ chế, góp ý trực tiếp vào các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019 về công tác tuyển sinh của hệ thống trường tư thục, vừa đảm bảo giúp các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng cơ chế thay vì thủ tục hành chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.