Ổn định điều kiện trường lớp, đội ngũ giáo viên
Theo ông Nguyễn Phúc Phận - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT Kon Tum đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất trường lớp, phòng học, cổng tường rào, khu vui chơi, thiết bị phục vụ dạy học, thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt và giấy vở, sách giáo khoa cho HS đảm bảo đủ điều kiện cho dạy học… nhằm kịp thời sửa chữa, thay thế, khắc phục, đảm bảo môi trường nhà trường an toàn trước khi khai giảng năm học mới.
Cùng với chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường học, sách, thiết bị dạy học, Sở GD&ĐT còn tổ chức rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên. Nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bậc mầm non và phổ thông nhằm đáp ứng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, hè 2018, Sở GD&ĐT đã tổ chức 5 đợt bồi dưỡng với 14 lớp và 511 cán bộ quản lý, 896 giáo viên tham gia…
Ông Nguyễn Phúc Phận cho hay: Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Kon Tum có 140 trường mầm non (trong đó có 2 trường dân lập và 21 trường tư thục), 147 trường tiểu học, 112 trường THCS, 27 trường THPT.
Trong đó, có 56 trường phổ thông dân tộc bán trú (35 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS, 21 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học) và 9 trường phổ thông dân tộc nội trú. Số lượng trường học ở cấp phổ thông đầu năm học 2018 - 2019 ổn định, chỉ tăng 1 trường mầm non tư thục so với năm học 2017 - 2018; trung tâm học tập cộng đồng tăng 7 trung tâm so với năm học 2017 - 2018.
Tăng cường đầu tư cho các trường học vùng khó
Chuẩn bị cho năm học mới 2018 - 2019, toàn ngành GD-ĐT Kon Tum đã đầu tư xây mới 128 phòng học, xóa được 48 phòng học tạm (gồm: 18 phòng học mầm non, 26 phòng học tiểu học, 4 phòng học THCS); xây mới 237 nhà vệ sinh, làm mới 64 hệ thống nước sạch, xây mới 11 phòng học bộ môn và các phòng chức năng khác với tổng kinh phí 137.400 triệu đồng; đầu tư hơn 25.500 triệu đồng để mua sắm bàn ghế HS, máy vi tính, máy
photocopy, trang thiết bị bán trú, thiết bị phòng học ngoại ngữ, thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị phòng học mầm non, thiết bị quốc phòng. Nguồn kinh phí xây dựng, mua sắm này được huy động từ các nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, Đề án kiên cố trường lớp học, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới… Có thể khẳng định rằng, đến nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đảm bảo được những điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới.
Trong năm học 2018 - 2019, 100% HS con em hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum được hỗ trợ chi phí học tập để trang bị sách giáo khoa, vở và dụng cụ học tập từ nguồn kinh phí thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Đối với HS dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo, các trường cũng đã chủ động kêu gọi các trường vùng thuận lợi, hội khuyến học, doanh nghiệp hỗ trợ vở, sách giáo khoa cũ và dùng ngân sách trang bị sách thư viện để HS mượn học.
Chia sẻ về những khó khăn mà các đơn vị, trường học đang phải đối mặt, ông Nguyễn Phúc Phận cho hay: Hiện nay cơ sở vật chất phục vụ cho HS ở bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và các lớp THPT nhô tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), xã Hiếu (huyện Kon Plông) còn có nhiều phòng ở tạm, thiếu công trình vệ sinh, nước sạch, nhà ăn và thiết bị kèm theo chưa đảm bảo, chính vì vậy, việc tổ chức ăn, ở cho HS còn gặp nhiều khó khăn.
Để sớm tháo gỡ khó khăn, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã có đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất cho HS bán trú tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và HS nội trú ở các lớp THPT nhô nơi đây.