Tháo 'điểm nghẽn' trong xây dựng đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Nhà giáo là nhân lực của nguồn nhân lực

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo và là nhân lực của nguồn nhân lực. Có thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tốt thì mới có học sinh, sinh viên tốt và xây dựng được cơ sở giáo dục tốt.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước. Theo thống kê, có gần 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới nhà giáo, nhưng lại chưa có một luật chuyên ngành về nhà giáo.

Với tính chất quan trọng và sự cần thiết có Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã đề xuất, tham mưu với Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho phép nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo. Qua đó có một bộ luật căn cơ, đủ căn cứ pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Để xây dựng Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, cần tham vấn ý kiến rất nhiều chủ thể, mang tính rộng rãi, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, các nhà quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học; đặc biệt là đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, để tìm ra những điểm nghẽn và biện pháp tháo gỡ.

“Chúng ta xây dựng Luật Nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo chứ không phải ban hành luật với những điều khoản, điều mục để quản lý nhà giáo” – Thứ trưởng trao đổi, đồng thời yêu cầu rà soát, đánh giá một cách tổng thể những cơ chế, chính sách đã được ban hành. Từ đó phát hiện “điểm nghẽn” trong xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Đại diện Bộ Công an trao đổi, góp ý tại hội thảo

Đại diện Bộ Công an trao đổi, góp ý tại hội thảo

Tính đến yếu tố đặc thù

Báo cáo về tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo và các chính sách đề xuất trong Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Khung cấu trúc dự kiến luật Nhà giáo với 8 chương, 67 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng… Các chính sách đề xuất bao gồm: định danh Nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh Nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của Nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh Nhà giáo; quản lý nhà nước về Nhà giáo.

Trước đó, Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm tra hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo đã có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Các ý kiến phân tích, nếu điều chỉnh theo hướng này, khái niệm Nhà giáo sẽ rộng hơn, có sự khác biệt về tiêu chuẩn, chính sách với Nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Các Ủy ban của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định phù hợp về đối tượng này nếu điều chỉnh trong Luật. Vì vậy, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất 2 phương án:

Phương án 1, Luật chỉ quy định về Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Phương án 2, Luật quy định về Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại diện nhà giáo công tác trong cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng góp ý tại hội thảo.

Đại diện nhà giáo công tác trong cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng góp ý tại hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đồng thuận, nhất trí cao với phương án 2 đã được Bộ GD&ĐT đề xuất. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo; đặc biệt là những đặc thù và bất cập còn tồn tại của đối tượng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại hội thảo các chuyên gia góp ý, cho ý kiến về Dự thảo đề cương Luật Nhà giáo và các chính sách cụ thể đề xuất cho nhóm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Chuyên gia Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi về dự thảo đề cương Luật Nhà giáo.

Chuyên gia Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi về dự thảo đề cương Luật Nhà giáo.

Các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được dự thảo đề cương Luật Nhà giáo đề xuất mang tính bao quát, đáp ứng mong mỏi của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo nên quan tâm, nghiên cứu, tính đến yếu tố đặc thù của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trực thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, Ban Biên soạn tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham góp trong hội thảo; từ đó tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.