Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo dừng việc XHH Trường MN Tiên Sa

Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo dừng việc XHH Trường MN Tiên Sa
Sẽ không thực hiện chủ trương xã hội hóa tại Trường MN Tiên Sa.
Sẽ không thực hiện chủ trương xã hội hóa tại Trường MN Tiên Sa.

(GD&TĐ) - Ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đã chỉ đạo UBND quận Hải Châu dừng việc tiến hành xã hội hóa Trường MN Tiên Sa và báo cáo tình trạng CSVC của trường cho Thành ủy.

Chiều 9/12, ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu - cho biết: Sẽ không thực hiện chủ trương xã hội hóa Trường MN Tiên Sa theo chỉ đạo của Thành ủy.

Về nguyên nhân Quận ủy và UBND quận Hải Châu có chủ trương xã hội hóa Trường MN Tiên Sa, ông Lê Anh  lý giải: “Mỗi năm, quận Hải Châu chỉ có 15 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, từ đường sá, cống rãnh, vỉa hè, điện chiếu sáng hẻm cho đến y tế, giáo dục. Trong khi mỗi phường chỉ đủ khả năng đầu tư cho một trường công.

Được xây dựng từ năm 1978, Trường MN Tiên Sa đã qua nhiều lần sửa chữa nên chúng tôi rất sợ sự cố xảy ra do CSVC đã quá xuống cấp. Với hiện trạng CSVC của trường MN Tiên Sa như hiện nay là không thể tiến hành sửa chữa chắp vá được nữa, chỉ có thể đập đi làm lại. Điều này vượt quá khả năng đầu tư của quận. Nhưng việc xã hội hóa Trường MN Tiên Sa cũng chỉ mới dừng lại ở chủ trương, định hướng”.

Nhận xét về việc thực hiện chuyển đổi loại hình trường công lập sang tư thục tại Trường MN 29/3, ông Lê Anh thừa nhận: “Đà Nẵng thực hiện chuyển đổi trường công lập sang tư thục đầu tiên trong cả nước nên cũng gấp gáp, chưa có chuẩn mực. Đến Trường MN Tiên Sa, nếu có làm thì sẽ làm đúng lộ trình”.

Được biết, năm học 2008 – 2009, trong khi nhiều địa phương khác đang gặp không ít lúng túng khi chuyển đổi trường mầm non bán công sang loại hình trường dân lập, tư thục thì Đà Nẵng quyết định chuyển toàn bộ 15 trường sang mầm non công lập.

Giải thích về điều này, thời điểm ấy, ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho rằng: “Việc chuyển đổi các trường bán công sang loại hình công lập cũng đồng nghĩa với ngân sách chi cho giáo dục của thành phố Đà Nẵng tăng thêm. Và một khi bài toán kinh phí được giải quyết, vị thế, tâm thế của cả người học lẫn người dạy được thay đổi thì ngành Giáo dục và cả xã hội được lợi rất lớn: chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt”.

Để có một nền móng vững chắc cho các bậc học sau này, cần đầu tư hơn nữa các điều kiện để chăm sóc, giáo dục trẻ ở giai đoạn tiền học đường. Đà Nẵng được xem là một điển hình về thành công trong việc thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục với nhiều ngôi trường như THPT Quang Trung, THPT Diên Hồng, CĐ Bách khoa, CĐ Phương Đông, ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á, ĐH Kiến Trúc... đều do các tổ chức, cá nhân mua đất đầu tư xây dựng trường.

Việc thu hút đầu tư theo chủ trương xã hội hoá giáo dục là điều nên làm. Nhưng xã hội hoá giáo dục - suy cho cùng - phải xuất phát từ lợi ích của người học. Và xã hội hóa cũng không đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng lên vai Nhà nước hay vì quyền lợi của một nhóm nhỏ HS thuộc gia đình kinh tế khá giả mà bỏ qua lợi ích của số đông HS khác.

                                                                             Hà Nguyên

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...