Thanh tra nội bộ trong cơ sở GD đại học: Chưa rõ vị trí, vai trò

GD&TĐ - Với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), hoạt động thanh tra nội bộ góp phần hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động chuyên môn.

Thanh tra nội bộ - công cụ quan trọng trong công tác quản lý trường ĐH. Ảnh minh họa.
Thanh tra nội bộ - công cụ quan trọng trong công tác quản lý trường ĐH. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên trên thực tế, thanh tra nội bộ chưa được đặt xứng tầm, còn mang tính hình thức, tượng trưng… dẫn tới hạn chế, yếu kém và thậm chí vi phạm nghiêm trọng.

Vướng mắc nhìn từ cơ sở

Theo ông Phạm Thanh Thiểm – Phòng Thanh tra Pháp chế - Trường ĐH Hà Nội, công tác thanh tra nội bộ trong các trường ĐH còn hạn chế bởi 6 nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý, theo quy định của Thông tư 51, trưởng bộ phận thanh tra nội bộ chưa được giao thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm, chưa được chủ động lựa chọn nội dung tiến hành thanh tra. Do đó, tính độc lập, chủ động và tự chịu trách nhiệm của bộ phận tranh tra nội bộ chưa cao. 

Mặt khác, một số quyền hạn của thanh tra được quy định tại Nghị định 86/2011/NĐ-CP nhưng không được quy định trong Thông tư 51 dành cho Thanh tra nội bộ như: Quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản để phục vụ thanh tra và tránh tẩu tán tài sản; quyền chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra… đặc biệt là quyền xử phạt hành chính. Điều này ảnh hưởng đến khả năng kịp thời ngăn chặn vi phạm, giảm tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm…

Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, khó khăn của công tác thanh tra nội bộ lại được xác định bởi 100% cán bộ, viên chức của phòng chưa qua đào tạo chính quy nghiệp vụ thanh tra, chủ yếu được bồi dưỡng dưới hình thức tập huấn, tự học. 

Cùng đó, một số viên chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, do vậy gặp khó khăn trong quá trình giải quyết công việc. Đặc biệt, dù hoạt động thanh tra nội bộ là một khâu trong công tác quản lý của nhà trường song nhận thức của một số cán bộ, GV mỗi khi có thanh tra kiểm tra vẫn có cảm giác bị “làm phiền” dẫn tới việc phối hợp với đoàn thanh tra, kiểm tra chưa tốt. 

Bà Nguyễn Thị Dung – Trưởng phòng Thanh tra Trường ĐH Hồng Đức nêu lên khó khăn: Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng là công việc phức tạp và nhạy cảm. Trong khi đó, đa số cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ điều động từ giảng viên nên không được đào tạo bài bản, chủ yếu là tham gia các đợt tập huấn ngắn hạn; bằng kinh nghiệm của bản thân, tự nghiên cứu tài liệu, học hỏi từ các đồng nghiệp nên gặp nhiều khó khăn trong giải quyết công việc.

Phát huy vai trò thanh tra nội bộ

Ông Phạm Thanh Thiểm cho rằng: Cần bổ sung quy định về loại hình “thanh tra nội bộ” trong Luật Thanh tra để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật chuyên ngành về thanh tra và giáo dục ĐH, làm cơ sở cho việc xây dựng các văn bản dưới luật hướng dẫn về  hoạt động của thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục ĐH. 

Không những thế, cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định những nội dung cơ bản về nguyên tắc, nội dung, hình thức thanh tra nội bộ. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra nội bộ. Quy định cụ thể và nâng cao tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của bộ phận thanh tra nội bộ, đồng thời với xây dựng tính hệ thống với các cơ quan thanh tra cấp trên. 

Ông Thiểm cũng đề nghị bổ sung các quyền cơ bản của thanh tra quản lý nhà nước, thanh tra chuyên ngành cho thanh tra nội bộ để tạo điều kiện cho đội ngũ này làm tốt chức năng công cụ phục vụ quản lý, phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh các cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực và thực hiện tự chủ ĐH ngày càng sâu rộng hiện nay…

Bà Nguyễn Thị Dung cũng đề xuất khắc phục tình trạng chồng chéo về nội dung hoạt động thanh tra nội bộ đó là: Thanh tra Bộ cần hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa công tác thanh tra nội bộ của hiệu trưởng với thanh tra nhân dân của công đoàn nhà trường.

Cùng đó, để tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ có cơ hội tìm hiểu, học tập kinh nghiệm thực tế lẫn nhau về công tác thanh tra, đề nghị Bộ GD&ĐT có chủ trương phân cụm về lĩnh vực thanh tra giáo dục cho các trường ĐH, CĐ theo tính chất đặc thù của mỗi trường. Trên cơ sở đó, các cụm thanh tra xây dựng kế hoạch học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các trường trong cụm với nhau. Có sơ kết, bình xét thi đua về công tác thanh tra trong cụm để đánh giá tình hình, đúc rút kinh nghiệm thực tế.

Để tạo thuận lợi trong hoạt động thanh tra nội bộ tại các trường ĐH, TS Nguyễn Lệ Hằng – Trưởng phòng Thanh tra - Trường ĐH Ngoại thương bày tỏ: Cần bổ sung một số chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra giáo dục, tạo công cụ cho việc xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài cơ sở giáo dục, đặc biệt về vấn đề nghĩa vụ cung cấp thông tin và thực hiện kết luận thanh tra.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục ĐH, tập thể lãnh đạo cần thực sự quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra và coi đó là công cụ quan trọng của quản lý. Trên cơ sở đó chú trọng tuyển chọn và bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra…

Để có thể thực hiện tốt hoạt động thanh tra nội bộ, luôn cần sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo nhà trường cũng như sự chỉ đạo về mặt chuyên môn của thanh tra cấp trên. - TS Nguyễn Lệ Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.