Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học.
Tổ chức kỳ thi nghiêm túc, không lơ là, chủ quan
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 1.071.395 (tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm ngoái).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm sau, bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mặc dù nội dung chuyên môn khác nhau, nhưng tính chất của kỳ thi là một. Tất cả đều đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng quản lý, dạy học của các trường phổ thông và cung cấp kết quả đáng tin cậy để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Hơn 500 đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra - Bộ GD&ĐT (bên trái, hàng trên) và ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT. Ảnh: Mạnh Tùng |
Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ đạo về công tác quản lý, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ rất sớm.
5 nhóm vấn đề được đặc biệt coi trọng là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác hỗ trợ vì kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, số lượng thí sinh lớn với sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương; công tác chuẩn bị; tổ chức, thực hiện.
Trong đó, công tác chuẩn bị chiếm đến 80% sự thành công; tổ chức, thực hiện chiếm 20%. Do đó, việc chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khi thực hiện phải đúng quy chế.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, mỗi một sơ suất xảy ra sẽ gây hệ lụy rất lớn đối với mục đích, yêu cầu, chất lượng của kỳ thi nên việc tổ chức kỳ thi phải hết sức nghiêm túc, không lơ là, chủ quan.
Đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu các quy định, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Mạnh Tùng |
Theo Thứ trưởng, công tác thanh tra kịp thời để đảm bảo tính công bằng, khách quan cho kỳ thi. Những năm gần đây, lực lượng thầy cô làm thanh tra, kiểm tra ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của kỳ thi.
Thứ trưởng ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của các thầy cô đến từ các sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý, tất cả các khâu của kỳ thi đều phải được thanh kiểm tra, không chồng chéo nhưng không để khâu nào có lỗ hổng.
Tại hội nghị này, Thứ trưởng đề nghị các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ những thông tin quan trọng, cốt lõi nhất về quy định, quy chế, nhiệm vụ trong kỳ thi đến các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học và các giảng viên tham gia vào kỳ thi. Với những vấn đề chưa thể trả lời ngay, trong vòng 5 ngày, các đơn vị phải có văn bản trả lời.
“Sau hội nghị, các thầy, cô sẽ phổ biến, tập huấn với các thành viên trong đoàn thanh tra của đơn vị của mình. Mục tiêu là tất cả thầy, cô tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra đều nắm chắc rõ nhiệm vụ, quy chế, quy trình làm việc để đảm bảo kỳ thi thành công tốt nghiệp”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mạnh Tùng |
"4 đúng, 3 không" trong hoạt động thanh tra, kiểm tra
Tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trình bày những điểm mới và cần chú ý trong quy chế và hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ông Chương cho biết, trong số 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, có khoảng 95% thí sinh đăng ký qua hình thức trực tuyến. Số lượng thí sinh THPT khoảng 96%, thí sinh tự do 4%.
Trong số thí sinh dự thi năm nay, 37% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên và 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội.
Ông Huỳnh Văn Chương trình bày những điểm mới và cần chú ý trong quy chế và hướng dẫn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Chương cũng lưu ý một số điểm mới kỳ thi năm nay trong quy định về chứng chỉ để miễn thi môn ngoại ngữ và được tính điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo đó, danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được quy định tại phụ lục của quy chế thi. Chứng chỉ ngoại ngữ phải có giá trị sử dụng đến ngày 26/6/2024.
Theo ông Chương, năm nay, khu vực in sao đề thi làm theo 3 vòng độc lập với các quy định rõ, cụ thể hơn.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng lưu ý một số điểm trong công tác coi thi: Tổ chức tập huấn, quy chế và hướng dẫn tổ chức coi thi; Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn bị đầy đủ các phương án dự phòng, bố trí đủ phòng chờ. Để tránh nhầm lẫn cho thí sinh, mẫu giấy thi tự luận năm nay đã điều chỉnh phần hướng dẫn viết số báo danh của thí sinh.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nêu phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong đó, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh 3 yêu cầu trong công tác này.
Thứ nhất, cần tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng.
Thứ hai, phải phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh và Sở GD&ĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Thứ ba, hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra; không làm thay nhiệm vụ hoặc làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Ông Cường cũng phổ biến các văn bản văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT với các nhiệm vụ cụ thể của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT.
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã thành lập 10 đoàn kiểm tra trực tiếp về công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi tại 20 sở GD&ĐT tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Mỗi đoàn có 3 người với Thanh tra Bộ và các vụ, cục thuộc Bộ. Sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra hoặc kiểm tra công tác chuẩn bị thi và khu vực in sao đề thi.
Với công tác coi thi, Bộ GD&ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD&ĐT kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi.
Ông Cường cũng thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi; thanh tra việc xét công nhận tốt nghiệp; thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác coi thi, chấm thi; trực thanh tra, kiểm tra thi…
Đại biểu trao đổi về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Mạnh Tùng |
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo phương châm “4 đúng, 3 không”.
Trong đó, 4 đúng gồm: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ bước nào; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường.
3 không gồm: không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
Trong chương trình hội nghị, các đại biểu thảo luận và được giải đáp về quy chế, hướng dẫn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT; được hướng dẫn kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn.
Đại diện Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra (Bộ GD&ĐT), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) trao đổi về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin, hiện các văn bản chỉ đạo điều hành công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã đầy đủ, bao gồm: Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; Quy chế thi tốt nghiệp THPT; Công văn 1277/BGDĐT-QLCL ngày 22/3/2024 về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Hướng dẫn số 3101-ANCTNB&QLCL hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT.