Tham dự hội thảo có các đại diện lãnh đạo Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các sở, ngành thành phố Hà Nội; đại diện đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức hữu nghị cùng các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa, lịch sử…
Cách đây 20 năm, ngày 16/7/1999, tại thành phố La Paz, thủ đô Bolivia, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới, cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Sau 20 năm, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý này. Cùng với vinh dự đó cũng là thách thức lớn lao đòi hỏi Hà Nội phấn đấu không ngừng cho nền hòa bình thế giới và là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu các tổ chức bấm nút khai trương website “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”. |
Tại hội thảo, 12 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện cho các tầng lớp nhân dân… đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về Thủ đô đang trên đà đổi mới và phát triển.
Các ý kiến tại hội thảo không chỉ khẳng định những thành tựu đã đạt được sau 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” mà còn đưa ra những đề xuất, đóng góp xây dựng văn hóa, con người, khơi dậy niềm tự hào, bảo tồn và phát huy giá trị của danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình”.
Nỗ lực phấn đấu duy trì các tiêu chí đã đạt được theo yêu cầu của UNESCO Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu trên mọi mặt, quản lý phát triển đô thị bền vững, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ, bình đẳng trong cộng đồng. Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn thân thiện, được lựa chọn là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế lớn.
Hà Nội đã xây dựng quy hoạch thành phố để đáp ứng nhu cầu phát triển và ngày càng quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội. Các ý kiến tham luận cũng khẳng định danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" tạo nên động lực để Hà Nội phát triển và phát huy các giá trị của di sản, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, được lựa chọn là nơi làm việc, học tập và du lịch.
Trình diễn giới thiệu làng nghề Bát Tràng tại Lễ hội đường phố |
Sáng cùng ngày, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 20 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.
Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, hòa bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố Vì hoà bình”, không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, tự tin phát triển và hội nhập, trở thành một dấu ấn khó quên với bạn bè, du khách từng đặt chân tới”.
Chia sẻ niềm vui, ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, Hà Nội đã khẳng định vị trí là trung tâm của cả nước về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Sự phát triển của Hà Nội đã dựa trên các nền tảng hòa bình, các giá trị văn hóa, chất lượng giáo dục, sự năng động sáng tạo... Từ một thủ đô đã hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh, Hà Nội ngày nay đã trở thành một điểm đến hòa bình của thế giới.
Một màn trình diễn tại Lễ hội đường phố “Trái tim hòa bình”. |
Các đại biểu cùng tham gia thả chim bồ câu với thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình, thịnh vượng.
Các vũ công với màn trình diễn Carnival |
Buổi chiều và tối 13/7, hơn 10.000 nghệ nhân, nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tưng bừng tham gia các hoạt động Lễ hội đường phố “Trái tim hòa bình”.