Thành phố 'hồi sinh' nhờ nạn di cư

GD&TĐ - Thành phố Agadez (Niger), từ lâu đã là điểm dừng chân của người di cư từ Bắc Phi đến châu Âu.

Thành phố Agadez, Niger, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ảnh: ITN
Thành phố Agadez, Niger, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ảnh: ITN

Nơi đây đang dần lấy lại sức sống khi luật cấm di cư năm 2015 được bãi bỏ.

Những người qua đường

Ousmane Kouyate, 25 tuổi, đứng bên một trạm xăng trên Quốc lộ 25, chạy qua thành phố Agadez, cách thủ đô Niamey (Niger), hơn 900 km về phía Bắc. Anh ta là một “người qua đường”, chỉ đại diện của các công ty du lịch, hay nói đúng hơn là kẻ đưa lậu người di cư châu Phi đến Địa Trung Hải.

Lần đầu Kouyate đặt chân đến Agadez với ước mơ vươn tới châu Âu. Sau nhiều lần bị từ chối và mạo hiểm mạng sống, anh ta chuyển sang ngành buôn lậu người di cư. Năm 2021, anh ta bị cảnh sát Nigeria bắt vì tội buôn lậu và phải ngồi tù 2,5 năm trước khi được thả và trở về Guinea.

Đeo kính râm và tai nghe dưới chiếc mũ bóng chày, Kouyate tỏ ra thận trọng và cảnh giác, mặc dù điều này là không cần thiết tại Agadez. Năm 2016, Chính phủ Niger đã ban hành Luật 2015 - 36 quyết định hình sự hoá việc vận chuyển người di cư trái phép lên phía Bắc.

Thời điểm đó, việc đưa lậu người di cư qua thành phố Agadez bị cấm triệt để. Các hoạt động du lịch được rà soát nghiêm ngặt, những “người qua đường” như Kouyate có thể bị bắt và bỏ tù bất cứ lúc nào.

Chỉ sau một đêm, hàng trăm tài xế, người môi giới và “người qua đường” bị buộc tội buôn bán người và bị bắt. Phương tiện làm ăn của họ bị tịch thu. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể số lượng người cố gắng vượt biên và số lượng du khách đến Agadez.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2023, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Đến tháng 11, Hội đồng Bảo vệ Quốc gia Niger (CNSP) quyết định bãi bỏ luật và hợp pháp hoá hoạt động buôn lậu người di cư.

Vì vậy, gần đây, Kouyate quyết định quay lại Agadez hành nghề. Theo như Kouyate mô tả: “Các hoạt động kết nối và vận chuyển người di cư đã trở lại bình thường”.

Chỉ trong thời gian ngắn, anh ta đã nắm quyền quản lý một trong nhiều “khu ổ chuột” mới mọc lên tại Agadez. Nơi đây là nơi trú ẩn tạm thời cho những người di cư quá cảnh.

Tên gọi “khu ổ chuột” xuất phát từ quy định trước đây, những người di cư bị buộc phải nhốt ở đây nhiều tháng trong điều kiện khắc nghiệt cho đến khi những người hỗ trợ có thể đưa họ ra ngoài.

“Tuy nhiên, ngày nay việc quản lý ‘khu ổ chuột’ dễ dàng hơn. Những người di cư tại đây có nhiều tự do hơn, họ có thể rời khỏi nơi ẩn náu, thậm chí tìm kiếm những công việc nhỏ trong khi chờ thời cơ di chuyển”, Kouyate nói và mô tả những người di cư như “khách du lịch” đến Agadez.

Bên trong các “khu ổ chuột” không có nhiều đồ đạc. Mọi người ngủ trên những tấm thải trải dưới sàn nhà đầy bụi. Họ cất giữ một ít đồ đạc vào những ngăn tủ trong góc phòng. Bên ngoài có sân sinh hoạt chung và nhà vệ sinh chung.

Cửa ngõ vào sa mạc Sahara

Xe chờ người di cư qua Agadez, Niger. Ảnh: Washington Post

Xe chờ người di cư qua Agadez, Niger. Ảnh: Washington Post

Giống với Kouyate, Abdou Amma, 53 tuổi, là một trong những “người qua đường” giàu kinh nghiệm nhất Agadez. Ông ta trở lại làm việc sau khi luật bị bãi bỏ. Amma đã làm việc trong lĩnh vực này 19 năm, đưa đón người dân từ khắp châu Phi. Khi luật có hiệu lực, Amma bỏ trốn để không bị bắt, bán hết xe và rơi vào cảnh thất nghiệp.

Cùng suy nghĩ với nhiều người dân Agadez, Amma tin rằng Luật 2015 - 36 đã bóp nghẹt nền kinh tế và khiến điều kiện sống của người dân trở nên tồi tệ hơn. Luật buộc họ phải thường xuyên tham gia các hoạt động bất hợp pháp.

“Chúng tôi được hứa giúp đỡ nhưng không nhận lại gì. Nhiều tài xế đã chuyển sang buôn bán ma tuý và vũ khí hoặc đi cướp bóc”, Amma nói.

Còn bây giờ, theo Amma, Agadez đã “thoát khỏi lồng của nó” khi nhiều người được hưởng lợi từ dòng người di cư quá cảnh. Từ thương gia đến người qua đường, chủ nhà hàng, thậm chí chính quyền, cũng có lợi vì mỗi người di cư đều phải trả một khoản thuế trị giá 1,64 USD. Không chỉ người di cư, Agadez cũng bắt đầu đón khách du lịch trở lại.

Là Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc công nhận, Agadez từng là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Nơi đây nằm ở vị trí “cửa ngõ vào sa mạc Sahara”. Tuy nhiên, kinh tế của khu vực liên tiếp rơi vào khó khăn do các cuộc nổi dậy của các nhóm vũ trang chống chính phủ.

Khi làn sóng di cư từ Libya hoặc Algeria qua Địa Trung Hải đến châu Âu tăng đáng kể vào năm 2013, 2014, Agadez là nơi mà người dân Bắc Phi, Tây Phi cần đi qua nếu muốn thực hiện hành trình.

Hơn nữa, Niger là thành viên của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), liên minh khu vực có thoả thuận di chuyển tự do. Bất kỳ ai từ 15 quốc gia thành viên đều có thể đến Agadez không cần thị thực.

Vì vậy, sau khi ngành du lịch sụp đổ, nhiều người đã chuyển sang kinh doanh đưa người đến biên giới Libya. Hành trình di chuyển của người di cư đã tạo ra cơ hội kinh tế cho hàng nghìn hộ gia đình nghèo và cực nghèo. Từ đó, ngành công nghiệp di cư mọc lên.

Chờ thời cơ đến

Muốn đến Libya, người dân Bắc Phi phải đi qua Agadez. Ảnh: ITN

Muốn đến Libya, người dân Bắc Phi phải đi qua Agadez. Ảnh: ITN

Theo một nghiên cứu, Luật 2015 - 36 không ngăn chặn việc buôn lậu người di cư qua Niger mà chuyển hướng hoạt động này sang các tuyến đường nguy hiểm. Dữ liệu gần đây cho thấy sự gia tăng tình trạng di cư bất thường đến châu Âu, nhất là qua Địa Trung Hải và gia tăng số ca tử vong ở Sahara. Hầu hết nạn nhân là những người không có giấy tờ.

Kouyate mô tả, khi Luật 2015 - 36 còn được áp dụng, mọi hoạt động buôn lậu phải thực hiện trong bí mật. Những “người qua đường” sẽ xây dựng chiến lược riêng để đưa người di cư từ bến xe bus đến các “khu ổ chuột”.

“Tôi liên lạc với những người di cư từ rất lâu trước đó, khi họ còn ở đất nước của họ. Chúng tôi học cách nói chuyện theo kiểu mật mã riêng dưới sự giám sát của cảnh sát”, Kouyate nói.

Anh ta cho biết thời điểm đón khách thích hợp nhất là ban đêm trên sa mạc, trên những con đường chưa có người qua lại. Do đó, các “người qua đường” phải tìm hiểu kỹ các tuyến đường, bàn bạc tỉ mỉ với khách hàng và đưa họ đi đúng tuyến đường đã vạch sẵn. Chỉ một chút sơ sẩy, tất cả bọn họ sẽ bị cảnh sát tóm gọn.

Kể cả sau đó, dù phải thụ án trong nhà tù, Kouyate vẫn duy trì mạng lưới vận chuyển người đến Libya, từ đó, các bên liên hệ khác từ các nhóm Libya sẽ tiếp quản.

Libya là mục tiêu của Kaka Bangoura, một người nhập cư 24 tuổi đến từ Sierra Leone. Anh ta đến Agadez từ tháng 12/2023 và làm nghề thợ điện. Mục đích chính của anh ta là kiếm đủ tiền và rời đến Libya, quốc gia Bắc Phi giáp Địa Trung Hải, rồi tìm đường sang châu Âu.

Khi hay tin Luật 2015 - 36 bị bãi bỏ, anh ta quyết định rời Sierra Leone đến Agadez. Theo Bangoura, trước đây cảnh sát sẽ yêu cầu kiểm tra giấy tờ của những người nhập cư và nếu không có, họ sẽ bị bắt giữ. Bây giờ, người nhập cư chỉ cần đưa tiền hối lộ.

Chờ đợi thời cơ cũng là trạng thái của Khalifa Cisse, 26 tuổi, người gốc Senegal hiện đang quản lý một khu ổ chuột ở Agadez. Ở quê hương, Cisse làm nghề lái xe bus. Anh ta bỏ trốn vì bị kết án tử hình sau một vụ tai nạn làm chết người.

Cisse đến Agadez trước khi Luật 2015 - 36 được ban hành và cố gắng sống sót qua thời kỳ gian khổ đó. Mục tiêu của anh ta là tiết kiệm tiền đến Libya. Để thực hiện hành trình này, Cisse dự kiến cần 492 USD.

Khi Luật 2015 - 36 được bãi bỏ, Cisse cảm thấy nhẹ nhõm “vì các phương tiện di chuyển qua sa mạc Sahara hiện đã nhanh hơn, thường xuyên hơn”. Tuy nhiên, anh cũng như nhiều người di cư khác vẫn còn những lo ngại về mức độ an toàn của hành trình. Họ có nguy cơ bị mắc kẹt trong sa mạc hoặc bị bọn cướp và các nhóm vũ trang tấn công.

Khó khăn còn ở phía trước

Người di cư tập trung tại Agadez, Niger. Ảnh: ITN

Người di cư tập trung tại Agadez, Niger. Ảnh: ITN

Bên cạnh những người di cư khao khát tìm đến nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn thì có những người bị mắc kẹt lại Agadez. Pita Favour-David, người Nigeria, 35 tuổi, là một ví dụ.

Favour-David đến Libya làm việc vài năm, có thai và bị sa thải. Cô bị trục xuất về nước. Không có tương lai ở Nigera lại phải nuôi con nhỏ, cô quyết định ở lại Agadez làm thuê kiếm trong các “khu ổ chuột” để kiếm tiền.

Theo thống kê gần đây nhất vào năm 2023 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 60 nghìn người di cư từ Niger đến Libya và Algeria. Dòng chảy người di cư được khảo sát từ các trạm xe bus ở Agadez. Rất dễ nhận biết những người muốn di cư.

Họ đóng vai những khách du lịch, chủ yếu là thanh niên, đeo trên mình những chiếc balô lớn, gói gọn đồ đạc cho hành trình dài đằng đẵng phía trước. Bên cạnh trạm xe bus là các quầy hàng bán đồ dùng cần thiết cho chuyến đi xa như thực phẩm, nước uống đóng chai, pin điện thoại...

Hiện nay, các đoàn người di cư được phép rời Agadez vào các ngày thứ Ba và thứ Năm trong tuần. Điểm dừng của họ trước khi vượt biên là Libya hoặc Algeria.

Anh Chehu Azizou, điều phối viên Dự án di cư Alarmephone Sahara, thông tin khoảng 3 - 5 chuyến xe khởi hành từ Agadez đến Libya mỗi tháng. Mỗi chuyến chở khoảng 2 nghìn người.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không giống như lượng lớn người di cư từ Niger đến Libya vào năm 2015, người di cư sẽ rất khó khăn khi vượt qua biên giới các quốc gia như Libya, Algeria. Họ cũng phải đối mặt với nguy cơ tái định cư lớn hơn nhiều so với năm 2015.

Bà Alice Fereday, chuyên gia phân tích cấp cao tại Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cho biết: “Dù Niger đã bãi bỏ luật, những người di cư phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nguy cơ bị bắt giữ và nguy cơ bị trục xuất khỏi Algeria rất lớn. Do đó, còn rất nhiều yếu tố cản trở người di cư tiến về phía Bắc”.

Theo Aljazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ