Mở cũng như đóng vì khó trăm bề
Sau đợt giãn cách nghiêm ngặt “ai ở đâu thì ở yên đó” từ 23/8 đến 6/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản cho phép nới lỏng một số dịch vụ kinh doanh ăn uống có điều kiện (bán mang về) để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau gần 1 tuần chính quyền nới lỏng và cho phép được kinh doanh lại, số cửa hàng mở bán vẫn còn rất ít.
Bà Thái Thị Ngọc Châu - chủ quán bún bò O Huế trên đường Dương Đình Hội, TP Thủ Đức cho biết, cả gia đình bà 4 người sống chủ yếu nhờ vào quán bún bò. Vì vậy, việc buộc phải nghỉ bán để phòng chống dịch gần 2 tháng qua khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nên rất mong ngóng việc TP cho bán buôn trở lại.
Tuy nhiên, theo bà Châu, việc TP Hồ Chí Minh nới lỏng một số thủ tục cho dịch vụ kinh doanh ăn uống nhưng vẫn siết chặt việc người dân ra đường khiến chính sách trên chưa thật có tác dụng.
“Chúng tôi được phép buôn bán trở lại nhưng không được đi chợ đầu mối lấy hàng, mối cung cấp hàng cho tôi bán hàng ngày vẫn bế tắc với việc đi lại nên muốn có nguyên liệu thì phải đặt qua các kênh do Nhà nước điều phối và phải qua Grap.
Với người buôn bán như tôi việc mua nguyên liệu vậy khó mà có lời vì giá đầu vào tăng cao. Chưa kể việc để bán lại, người kinh doanh phải thường xuyên thực hiện test nhanh Covid-19 theo quy định khiến chi phí phát sinh”, bà Châu cho biết.
Có chung nỗi khổ, ông Nguyễn Thái Bình, chủ quán cơm tấm WIN trên đường Hoàng Diệu 2, TP Thủ Đức cho biết ông chỉ mở bán lại đúng 3 ngày thì buộc phải tự dừng bán vì khách ít, chi phí cho nguồn nguyên vật liệu đầu vào tăng quá cao.
“Có một thực tế mà những người làm chính sách không hình dung được là việc tiếp cận nguồn nguyên liệu của các hộ kinh doanh như tôi hiện rất vất vả. Tất nhiên, các cửa hàng cung ứng thực phẩm vẫn có, nhưng khi đặt nguồn cung qua shipper nảy sinh rất nhiều bất cập. Nguồn nguyên liệu về chậm, giá bị đội lên, đó là chưa kể việc mua hàng nhưng mình không được chọn khiến nguyên vật liệu nhập vào nhiều lúc không như ý muốn…
Ngày thường bán một dĩa cơm tấm sườn bì chả chỉ có 35.000 đồng/dĩa. Dịch cộng đủ chi phí dĩa cơm lên tới 50.000, thậm chí 55.000 đồng/dĩa, rất ít khách hàng chấp nhận vì quá đắt. Vì vậy, sau 3 ngày bán mà thu không đủ bù chi, tôi quyết định tiếp tục đóng cửa”, ông Bình chia sẻ.
Xung quanh việc số lượng cửa hàng dịch vụ kinh doanh ăn uống mở bán lại còn khá ít, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Toàn TP hiện có hơn 7.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung nguồn cấp nguyên liệu lương thực, thực phẩm nên lý do khó tiếp cận nguồn nguyên liệu là chưa khách quan và chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ.
Thực tế, nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống chủ yếu là tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả, gia vị hiện nay đều không thiếu hàng. Lý do chính là chi phí tăng khiến lãi thu không nhiều nên nhiều hộ kinh doanh chưa mặn mà mở cửa trở lại”.
Chi phí cao, người dân không mặn mà
Theo quy định, từ ngày 8/9, TPHCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper được phép hoạt động.
Chính quy định này nên việc kinh doanh buôn bán của các cửa hàng phụ thuộc rất lớn vào lực lượng shipper. Theo chị Lê Hồng Xinh - chủ quán cà phê Thảo Nguyên Xanh, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, 4 ngày nay lượng khách đặt hàng rất ít, số lượng shipper nhận đơn hàng cũng không nhiều nên việc kinh doanh, buôn bán cũng không hiệu quả.
“Thực tế như tôi đã dự đoán, sẽ không nhiều khách hàng lên đơn. Mặt khác lượng shipper hiện còn khá khiêm tốn, họ chạy đơn đi chợ hộ cho người dân đã không hết thì nói gì nhận đơn 1 - 2 ly cà phê của mình.
Dù rất kỳ vọng vào lệnh nới lỏng của TP sẽ giúp có thêm chi phí trang trải tiền thuê mặt bằng, thế nhưng với chính sách như hiện nay thì người kinh doanh như tôi cũng không thể làm gì khác hơn. Nhiều khách quen khi biết tôi mở bán lại cũng ủng hộ, nhưng chỉ 1 - 2 hôm thì họ thôi với lý do tiền shipper còn mắc hơn tiền mua ly cà phê uống”, chị Xinh nói.
Khảo sát đơn hàng trên các hệ thống nhận ship đơn cho khách như Gojek, Aloship, Loship, ShopeeFood, chi phí vận chuyển dù đoạn đường ngắn hay dài đều tăng hơn trước khá nhiều.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, một khách hàng cho biết trước đây một đơn hàng đặt tô phở hay tô bún măng vịt tại cùng vị trí với khoảng cách chỉ 400 - 500 mét, đơn giá chỉ từ 12.000 - 17.000 đồng thì nay tăng lên 25.000 - 27.000 đồng, cộng thêm tô phở trước bán 30.000 đồng/tô, nay vì gánh thêm chi phí, tăng lên 35.000 đồng/tô, vị chi khoảng 60.000 đồng/ tô phở.
“Mức giá bán ăn sáng như trên thật sự quá mắc trong bối cảnh mà người tiêu dùng như chúng tôi đã kiệt quệ về tài chính trong suốt 4 tháng chống dịch. Thu nhập trung bình, khá bỏ ra bữa ăn sáng cho cả nhà gần 200.000 đồng thật sự khiến nhiều người phải cân nhắc, đắn đo”, anh Hiệp nói.
Chi phí bỏ ra bị đội lên, để có lời người bán phải tăng giá bán, cộng phí vận chuyển cũng tăng mạnh mùa dịch, đẩy chi phí gia tăng phi mã về phía khách hàng. Người có tiền thì chấp nhận dịch vụ trên trong bối cảnh dịch bệnh, người ít tiền thì ngao ngán… vì nó quá phi lý. Tất yếu người kinh doanh phải thận trọng trong việc mở bán khi lượng khách hàng quen thuộc bị sụt giảm.
Mặt khác, theo anh Lương Thái Quân - chủ quán hủ tiếu Nam Vang Thuận Giang, Quận 3, TP Hồ Chí Minh thì quy định kinh doanh “3 tại chỗ” cũng khiến các chủ quán như anh ngán ngại.
Bởi chủ phải nuôi ăn ở cho nhân viên, trả đầy đủ lương, lo chi phí xét nghiệm hai ngày/lần. Cộng với hàng chỉ được ship trong quận, phí ship cao, nên thay vì mở cửa kinh doanh anh Quân chọn việc tiếp tục ngừng để tránh những phiền phức.