Thành lập trung tâm khảo thí độc lập: Giảm tiêu cực

GD&TĐ - Bên cạnh việc ủng hộ giữ ổn định phương án tuyển sinh 2021, các chuyên gia cho rằng, cần tính đến phương án thành lập trung tâm khảo thí độc lập.

Cán bộ chấm thi – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hội đồng thi tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Sỹ Điền
Cán bộ chấm thi – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Hội đồng thi tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Sỹ Điền

Trung tâm này có thể tổ chức các kỳ thi nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.

Đáp ứng nhu cầu tuyển sinh đại học

Khẳng định, ít nhất 5 năm gần đây, công tác tuyển sinh có nhiều tiến bộ, TS Lương Cao Đông – Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam cho rằng, Kỳ thi THPT quốc gia và Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh, trong đó có mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng. Đã đến lúc, cần tính đến phương án thành lập trung tâm khảo thí độc lập. Trung tâm này sẽ tổ chức các kỳ thi, cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh. Tuy nhiên, việc thành lập cần có lộ trình với những bước đi phù hợp. 

Theo PGS.TS Lê Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Ngoại thương, trong tương lai, cần thành lập Trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá và tổ chức các kỳ thi. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường và cho thí sinh. Tuy nhiên, trước mắt cần chuẩn bị hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động để các trung tâm này vận hành tốt sau khi thành lập. Bên cạnh đó, trường đại học và thí sinh cũng cần chuẩn bị tâm thế để thích ứng.

Tin tưởng vào tính khả thi của việc thành lập trung tâm khảo thí độc lập, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Bộ GD&ĐT đã khảo sát về việc thành lập trung tâm khảo thí quốc gia uy tín tại các cơ sở giáo dục đại học, hoặc có thể được thành lập bởi các đơn vị, doanh nghiệp, cũng như các đơn vị khác nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, việc đầu tiên là cần hoàn thiện các văn bản pháp quy, trong đó có cách thức để tổ chức thi trên máy. Các trung tâm khảo thí độc lập có thể tổ chức thi thành nhiều đợt trong năm nhưng cần cân bằng giữa các lần thi và bảo đảm độ tương thích. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống phần mềm, tính khách quan trung thực, an toàn và có tính bảo mật cao. “Sau khi thi, việc công bố điểm sẽ như thế nào. Cùng với đó, cần tính đến kết quả, giá trị và hiệu lực của kỳ thi” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói, đồng thời khẳng định: ĐH Quốc gia sẵn sàng hỗ trợ và có ý kiến tư vấn với Bộ GD&ĐT để đưa giải pháp phù hợp nhất.

Xu hướng đáng cân nhắc

Ông Đào Phong Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng (Trường ĐH Cần Thơ) trao đổi: Cùng với chủ trương của Bộ GD&ĐT về tự chủ trong tuyển sinh, việc thành lập trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi và cung cấp kết quả làm căn cứ tuyển sinh là xu hướng đáng cân nhắc.

Nêu lên một số thuận lợi, ông Lâm nhấn mạnh: Khi có trung tâm khảo thí độc lập sẽ giảm tải gánh nặng đánh giá cho Bộ GD&ĐT, các trường và đơn vị liên quan. Ngoài ra, mô hình đơn vị khảo thí độc lập sẽ giảm thiểu các tiêu cực liên quan tiến trình đánh giá, khảo thí. Mô hình này cho phép sự tham gia của các đơn vị khảo thí khu vực và quốc tế, góp phần vào việc quốc tế hóa trong giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho liên thông bằng cấp, chứng chỉ.

Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, việc này sẽ phải đối diện với một số khó khăn. Đầu tiên là về nhân lực chất lượng cao làm việc cho trung tâm khảo thí độc lập. Không dễ để các chuyên gia trong lĩnh vực này từ bỏ vị trí và nhiệm sở của họ để tham gia công tác tại đơn vị độc lập còn non trẻ và thiếu lộ trình phát triển rõ ràng.

Một khó khăn nữa là chuẩn hóa sao cho việc đào tạo các cấp bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng được nội dung, tiêu chí đánh giá của bài thi do trung tâm khảo thí độc lập xây dựng và sử dụng. Không thể có chuyện một đơn vị đánh giá quốc tế hạ chuẩn khi đánh giá tại Việt Nam (cũng như hiện nay quốc tế chưa công nhận chứng nhận ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam tương đương chứng chỉ TOEIC hay TOEFL của ETS).

“Các phân tích trên để cho thấy, việc thành lập một hay nhiều trung tâm khảo thí độc lập theo mô hình của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (Educational Testing Service, viết tắt là ETS) – tổ chức đánh giá và kiểm tra giáo dục tư nhân và phi lợi nhuận – là điều không dễ dàng” – ông Lâm nêu vấn đề.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Để tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng quy chế, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin, các yêu cầu chuẩn mực về đề thi…, nhằm tổ chức thi, bài thi được chuẩn hóa, trên tinh thần công bằng, khách quan và chất lượng để các trường tin tưởng và sử dụng kết quả.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc thành lập phải có lộ trình, phù hợp với thực tiễn khách quan. Sau khi thành lập, các trung tâm này sẽ tổ chức các kỳ thi nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học. Khuyến khích các trung tâm tổ chức thi trên máy tính, tạo thuận lợi cho thí sinh để các em không phải di chuyển đi thi và có thể thi thành nhiều đợt trong năm.

Theo TS Lương Cao Đông, trong khi chờ các trung tâm khảo thí độc lập được thành lập, cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Vì thế, đề thi cần tiếp tục có tính phân hóa và làm tốt công tác lọc ảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ