Đối tượng của nghề CTXH là những người yếu thế |
(GD&TĐ) - Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh thành lập bộ môn/khoa đào tạo công tác xã hội (CTXH) là một trong những định hướng triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trong thời gian tới.
Theo thống kê, hiện trên cả nước có khoảng gần 40 trường ĐH, CĐ có đào tạo chuyên ngành CTXH với số lượng tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên mỗi năm. Bên cạnh hệ thống đào tạo chuyên nghiệp CTXH, hệ thống các cơ sở đào tạo nghề CTXH đang được triển khai tại trên 300 trường CĐ nghề, TC nghề và gần 700 trung tâm dạy nghề.
Tuy nhiên, số lượng, chất lượng đào tạo ngành CTXH đáp ứng nhu cầu xã hội đang là thách thức lớn. Hiện đội ngũ giảng viên CTXH có bằng thạc sĩ, tiến sĩ rất ít. Công tác đào tạo nghề này còn nhiều bất cập như: chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đội ngũ giảng viên thực hành chuyên nghiệp, thiếu cơ sở thực hành chuyên nghiệp...
Sinh viên ngành CTXH ra trường hoặc khó xin việc làm hoặc không thiết tha gắn bó với nghề. Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của CTXH nước ta với các nước phát triển, hoặc ngay với các nước trong khu vực, chúng ta còn khoảng cách rất lớn.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết Bộ Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các trường ĐH, tổ chức Unicef xây dựng, hoàn chỉnh giáo trình đào tạo và dạy nghề CTXH trình độ trung cấp và CĐ; nâng cao chất lượng giảng viên ngành CTXH. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề trong các cơ sở đào tạo nghề của các tỉnh, thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức CTXH; đề nghị Bộ Tư pháp và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xây dựng kế hoạch, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất phát triển nghề CTXH...
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|