Khuyến khích bảo tàng tư nhân phát triển

GD&TĐ - Bên cạnh những bảo tàng do Nhà nước quản lý, thì sự ra đời của bảo tàng tư nhân đã góp phần làm phong phú hệ thống bảo tàng mà chúng ta đang có. 

Khuyến khích bảo tàng tư nhân phát triển

Tuy nhiên với cơ chế hoạt động và quản lý như hiện nay vẫn còn nhiều bất cập cần phải bàn. Vấn đề là, Nhà nước cần có cơ chế và tạo điều kiện như thế nào để các bảo tàng tư nhân phát huy hết giá trị.

Đa dạng hóa loại hình bảo tàng

Trong khi nhiều bảo tàng Nhà nước trong trạng thái đìu hiu vắng khách, thì với những chiến lược riêng của mình, nhiều bảo tàng tư nhân lại có sức hút để các tổ chức, cá nhân tìm đến. Tại Hà Nội, Bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ ở Quốc Oai được coi là bảo tàng mỹ thuật tư nhân đầu tiên của cả nước. Mặc dù chỉ có khoảng 500m2 nhưng đây lại là nơi sưu tập tới hơn 1.000 bức tranh có giá trị. Nhiều tác phẩm quý của các họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái được lưu giữ tại đây. Có thể thấy đây là nơi để những ai yêu hội họa có cơ hội chiêm ngưỡng những bức tranh quý.

“Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh” ở số 9 ngõ 144/2 An Dương Vương, Tây Hồ (Hà Nội) của ông Nguyễn Mạnh Hiệp lại là nơi sưu tầm những kỷ vật của chiến tranh. Mặc dù chỉ là căn nhà có diện tích 30m2, nhưng trong các tủ kính chủ nhân đã trưng bày tới hơn 1.000 hiện vật về chiến tranh. Phần trưng bày ngoài trời, trưng bày đủ loại vỏ đạn pháo, tên lửa, mảnh xác máy bay trực thăng... Đặc biệt, ông còn lưu giữ cả ngàn tấm ảnh sinh động chưa từng được công bố.

Bảo tàng Đồng quê của bà Khiếu tại Giao Thủy (Nam Định) lại hấp dẫn du khách bởi sự trở về của không gian văn hóa đồng quê lúa nước với nhiều hiện vật, vật dụng gần gũi với người nông dân. Hơn nữa khu vườn quanh bảo tàng được bà sưu tầm tới hàng trăm loại cây cối của đồng quê Bắc Bộ. Đặc biệt hơn cả phải kể đến Việt Phủ Thành Chương nơi mà nhiều khách tham quan khi đến đây rất yêu thích. Quả thật đây là một bảo tàng quý hiếm. Tác giả đã dành nhiều tiền của, công sức của mình để xây dựng sưu tầm hơn 2.000 linh vật “100% thuần Việt”.

Cần cơ chế quản lý phù hợp

Nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, thì phần lớn các bảo tàng tư nhân chưa được đầu tư một cách xứng tầm. Thêm nữa cơ chế quản lý vẫn chưa được vận hành một cách khoa học. Chủ yếu các bảo tàng này ra đời xuất phát từ lòng đam mê sưu tầm các kỷ vật của các chủ nhân. Vì vậy khó khăn kinh phí vẫn là yếu tố hàng đầu. Hiện nay phần lớn các bảo tàng này còn hạn chế về không gian trưng bày (Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, Bảo tàng của bà Phan Thị Ngọc Mỹ). Mặc dù họ có nhiều tác phẩm, nhiều kỷ vật và tư liệu quý, nhưng để trưng bày sao cho xứng tầm vẫn là bài toán chưa được giải quyết một cách triệt để.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Để được gọi là bảo tàng, phải đáp ứng những yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan, có nhà trưng bày trong và ngoài trời, kho bảo quản, đội ngũ chuyên môn, bộ máy hành chính… Việc phát triển bảo tàng tư nhân ở nước ta mới chỉ ở dưới dạng “thứ cấp”, chưa đạt đến ngưỡng của bảo tàng chuyên nghiệp. Thực chất, nhiều địa chỉ vẫn ở dạng phòng triển lãm, phòng trưng bày… chưa đủ quy mô để thành lập bảo tàng.

“Ngay cả Việt Phủ Thành Chương mặc dù được chủ nhân đầu tư nhiều tiền của, công sức và được xây dựng trên một không gian rộng, nhưng chủ nhân vẫn không khỏi băn khoăn và chưa dám nhận đây là một bảo tàng tư nhân. Vì để biến một nơi vốn trước đó chỉ được xây dựng nhằm mục đích tạo nên không gian riêng của gia đình trở thành bảo tàng tư nhân thì còn nhiều vấn đề nan giải. Ví dụ như việc bố trí người hướng dẫn, thuyết minh hay việc kết hợp với các tổ chức văn hóa cá nhân để phát triển và vận hành bảo tàng thật tốt…” - PGS Đặng Văn Bài nêu rõ.

Theo số liệu thống kê của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, trong số gần 30 bảo tàng tư nhân trên cả nước được cấp phép thành lập hiện có 25 bảo tàng tư nhân đang hoạt động. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các bảo tàng này đóng góp rất nhiều trong việc sưu tầm cổ vật, hiện vật văn hóa, lịch sử của dân tộc. Hoạt động độc lập, nhưng mỗi bảo tàng tư nhân lại có sức hút riêng vì mỗi lĩnh vực của một bảo tàng tư nhân lại có những hướng đi riêng độc đáo khác biệt với các bảo tàng Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.