Thanh Hóa: Tuyển sinh học sinh nội trú sai quy định, trách nhiệm thuộc về ai?

GD&TĐ - Không chỉ riêng tại huyện Như Xuân, nhiều trường PTDTNT-THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tuyển hàng chục học sinh không đủ điều kiện.

Trường PTDTNT-THCS Như Thanh tuyển sai quy định 20 học sinh năm học 2022 - 2023.
Trường PTDTNT-THCS Như Thanh tuyển sai quy định 20 học sinh năm học 2022 - 2023.

Tuyển sai ở hàng loạt địa phương

Năm học 2022 - 2023, học sinh được xét tuyển vào các Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở (PTDTNT-THCS) đang thực hiện theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT, ngày 15/1/2016 của Bộ GD&ĐT.

Theo quy định, học sinh thuộc diện tuyển sinh vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là thanh niên, thiếu niên người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.

Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng theo quy định trên, nếu được UBND cấp tỉnh quy định là vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thì cũng thuộc diện tuyển sinh vào trường PTDTNT.

Trường PTDTNT được phép tuyển sinh không quá 5% con em người dân tộc Kinh có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong tổng số chỉ tiêu được tuyển mới hằng năm.

Thế nhưng, trong kỳ tuyển sinh 2022 - 2023, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngoài tuyển học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, nhiều học sinh ở các vùng khác cũng vẫn được xét tuyển vào trường. Dẫn đến việc, chi trả sai quy định trợ cấp cho đối tượng này suốt một học kỳ.

Cụ thể, tại Trường PTDTNT-THCS Như Xuân, tuyển sai 33 học sinh; Trường PTDTNT-THCS Quan Hóa, tuyển sai 43 học sinh; Trường PTDTNT-THCS Như Thanh 20 học sinh.

Ngoài ra, tại huyện Mường Lát, từ năm học 2020 - 2021 đến 2023 - 2024 có nhiều con em cán bộ huyện được đưa vào trường nội trú không đúng theo quy định tại Thông tư 01/2016 -TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2023-TT-BGDĐT.

Huyện Quan Hoá xác nhận, đã chi trả tiền trợ cấp ban đầu và tiền học bổng của nhà trường cho các em học sinh nói trên không đúng quy định là hơn 131 triệu đồng. Các huyện Như Xuân, Như Thanh, lãnh đạo Phòng GD&ĐT vẫn không cho biết số tiền chi sai quy định là bao nhiêu và sau khi phát hiện chi sai thì lấy từ nguồn nào để trả lại ngân sách Nhà nước.

Ông Phạm Văn Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh cho biết, học sinh học được một thời gian thì mới phát hiện số học sinh tuyển không đúng vùng. Sau khi phát hiện, nhà trường cũng đã chuyển học sinh về lại các trường thuộc xã đó tiếp tục theo học.

Liên quan đến số tiền đã chi trả trợ cấp sai cho số học sinh này, ông Cường không cung cấp thông tin cho phóng viên.

Trách nhiệm của Sở GD&ĐT?

Trước và sau khi tuyển sinh, các địa phương đều báo cáo Sở GD&ĐT về kế hoạch tuyển sinh, danh sách học sinh trúng tuyển bao gồm đầy đủ thông tin từ nơi cư trú cho đến các tiêu chí xét tuyển. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa không phát hiện ra việc các trường tuyển hàng chục học sinh không đúng quy định.

Để khắc phục tình trạng tuyển sai và thiếu học sinh so với chỉ tiêu, tháng 9/2023, căn cứ vào tờ trình mà các địa phương đề xuất, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin bổ sung chỉ tiêu cho các trường theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT (thay thế Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT).

Văn bản nêu: Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 861/2021 về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định 612/2021 về việc phê duyệt thôn bản đặc biệt khó khăn… dẫn đến việc tuyển sinh vào lớp 6 Trường PTDTNT-THCS năm học 2022 - 2023 ở một số địa phương không đạt chỉ tiêu được giao.

Để trường PTDTNT-THCS tiếp tục ổn định về quy mô số lớp, số học sinh, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực các nhà trường, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội học tập tốt; Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 7, năm học 2023 - 2024 cho trường PTDTNT-THCS một số địa phương.

Phúc đáp vấn đề này, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT lấy ý kiến địa phương, đơn vị liên quan.

Trong đó, Ban Dân tộc có ý kiến, năm học 2022 - 2023, Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT chưa có hiệu lực; còn Sở KH&ĐT cũng cho rằng, việc áp dụng đối tượng tuyển sinh tại Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT để đề nghị bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 7 trường PTDTNT-THCS năm học 2023 - 2024 là không phù hợp. Từ các ý kiến trên, Sở GD&ĐT kết luận về pháp lý chưa đủ cơ sở để thực hiện bổ sung chỉ tiêu.

Trả lời Báo GD&TĐ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Dĩnh cho rằng, công tác tuyển sinh do Phòng Khảo thí phụ trách, theo dõi. Sau khi tuyển sinh xong, các địa phương báo cáo lên thì phòng này phải có trách nhiệm rà soát để phát hiện.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho rằng, có thể do tiếp cận các văn bản chưa chặt chẽ nên mới dẫn đến nhiều huyện đồng loạt tuyển sai như vậy.

Liên quan đến việc nhiều con cháu lãnh đạo phòng, trường học, giáo viên được tuyển vào Trường PTDTNT-THCS Mường Lát sai quy định, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đang vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.