Theo đó, trong đợt này, Thanh Hoá được cấp 117.000 liều vắc xin Pfizer để tiêm cho học sinh có độ tuổi nêu trên.
Học sinh tại các trường THPT, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên ở địa phương đều bố trí điểm tiêm lưu động tại các trường học.
Riêng học sinh có bệnh lý nền sẽ được tổ chức tiêm tại cơ sở y tế. Việc tổ chức tiêm chủng có sự phối hợp chặt chẽ của ngành y tế, chính quyền địa phương, các nhà trường và bậc phụ huynh.
Ngành y tế các địa phương đã phối hợp với ngành giáo dục, các trường học thực hiện tốt việc rà soát, điều tra tiền sử bệnh tật, lập danh sách học sinh thuộc các trường hợp chống chỉ định, có nguy cơ cao… để phân loại, bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm phòng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh này đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nhân viên y tế về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Tại các địa phương đã chuẩn bị tốt các điều kiện, sẵn sàng tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên dành cho học sinh.
Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em nhận được sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
Tại các điểm tiêm đã có sự chủ động cao trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy chế chuyên môn, tình hình tại địa phương để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, như: bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang và khử khuẩn, bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, bảo đảm khoảng cách giữa các bàn, vị trí tiêm chủng.