Thanh Hóa thiếu gần 10.000 giáo viên các cấp học

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Thanh Hóa đang thiếu giáo viên ở mức trầm trọng. Ở thời điểm hiện tại, địa phương này đang thiếu gần 9.000 giáo viên và dự tính sẽ tăng lên mức 16.000 giáo viên vào năm 2025.

Đại diện tỉnh Thanh Hóa dự Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Đại diện tỉnh Thanh Hóa dự Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Nhiều thành tích đáng ghi nhận

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV), học sinh (HS), kết thúc năm học 2020 - 2021, ngành GD Thanh Hóa đã hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.

Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được quan tâm xây dựng, quy hoạch khang trang với tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 87,7%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh đã có 1.584 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,69.%.

Đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trực thuộc sở bảo đảm theo quy định...

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Thanh Hóa có điểm trung bình các môn thi xếp thứ 32 toàn quốc (tăng 12 bậc so với năm 2020); 2.409 HS đạt 27 điểm trở lên theo tổ hợp xét tuyển sinh vào đại học và 1.288 điểm 10 (xếp thứ 3, sau TPHCM và Hà Nội). Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được thực hiện đảm bảo hiệu quả, chất lượng và tiến độ. Đã hoàn thành việc bồi dưỡng trực tuyến các Modul 1, 2, 3 cho hơn 3 vạn GV (đạt tỷ lệ 99,7%).

Trong năm học 2020 – 2021, đã thực hiện điều động 75 GV cùng bộ môn từ trường thừa đến trường thiếu. Tuyển dụng mới 265 GV để bổ sung cho các trường còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao, nhất là các trường thuộc khu vực miền núi, vùng có điều kiện khó khăn.

Chất lượng GD mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước. Chất lượng GD đại trà có nhiều chuyển biến tích cực.

Hệ thống, trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của hơn 2.000 cơ sở giáo dục tiếp tục được quy hoạch, đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Chất lượng GD mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước với 2 Huy chương Quốc tế và Khu vực; 58 học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có cả những em học sinh là người dân tộc. Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực.

Lớp học ở điểm lẻ bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).
Lớp học ở điểm lẻ bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).

Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, bám sát nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiêp trong tỉnh. Đặc biệt là bước đầu chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho ngành GD.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là trong dạy học hiệu quả cao. Đáp ứng chủ trương “thực hiện mục tiêu kép” và phương châm" tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học" trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tổ chức hoạt động giáo dục theo cấp độ

Ngành GD Thanh Hóa còn có những tồn tại hạn chế, như: Tỷ lệ phòng học tạm, học mượn còn cao (chiếm 12%); trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ giáo viên còn thiếu gần 9.000 người ở tất cả cấp học, bậc học. Chất lượng GD khu vực 11 huyện Miền núi còn thấp, chưa tương đồng với 16 đơn vị Miền đồng bằng ven biển; chất lượng dạy học ngoại ngữ còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước,...

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, ngành GD Thanh Hoá tập trung triển khai, thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả cao nhất.

Theo đó, ngành GD phải thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện. Thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả các ngành kinh tế - xã hội; giáo dục, đào tạo thế hệ công dân mới, toàn diện của tỉnh.

Chương trình nâng cao chất lượng GD tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021 – 2025, chương trình nâng cao chất lượng GD miền núi, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các trường phổ thông tư thục chất lượng cao.

Tiếp tục thực hiện việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đảm bảo quy định, phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục.

Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đẩy mạnh chuyển đổi số làm công cụ đổi mới quản lý và dạy học, rút ngắn quá trình nâng cao chất lượng, hướng đến nền giáo dục thông minh.

Triển khai, thực hiện Chương trình năm học theo tinh thần Chỉ thị số 800 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chú trọng chuẩn bị các điều kiện thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018. Ưu tiên nguồn lực cho thực hiện chương trình lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng, chống dịch Covid-19.
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ động, linh hoạt ứng phó, xử trí trong tổ chức hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh, phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở mỗi địa phương. Sẵn sàng tổ chức hoạt động giáo dục ở các đơn vị, trường học theo 3 cấp độ:

Theo đó, cấp độ 1 (trên địa bàn chưa thực hiện giãn cách xã hội, HS đến trường bình thường): Tranh thủ thời điểm đang kiểm soát được dịch bệnh, tập trung nguồn lực, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giáo dục.

Tăng tiết, tăng buổi, trước mắt là dạy học cả ngày thứ Bảy (có thể kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT). Tạm thời chưa tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường học.

Đối với cấp độ 2 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ): Tổ chức dạy học 2 ca/ngày sáng và chiều, mỗi ca bố trí chỉ 50% HS đến trường.

Tập trung dạy học những nội dung cốt lõi, các nội dung khác tổ chức dạy bù khi có điều kiện; kết hợp hình thức online, qua truyền hình, giao bài tập qua hình thức OTT.

Còn cấp độ 3 (trên địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh dừng đến trường).

Hoạt động giáo dục chỉ tổ chức bằng hình thức online hoặc qua truyền hình, kết hợp giao bài tập qua hình thức OTT. Riêng Giáo dục tiểu học chỉ đặt mục tiêu duy trì trạng thái học tập cho học sinh.

Đề nghị giao đủ biên chế giáo viên

Tỉnh Thanh Hóa đang thiếu gần 9.000 giáo viên các cấp học.
Tỉnh Thanh Hóa đang thiếu gần 9.000 giáo viên các cấp học.

Thanh Hóa đề nghị Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành Trung ương quan tâm bổ sung chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT, để tăng nguồn lực đầu tư xây dựng CSVC cho các trường học thuộc vùng khó khăn, bãi ngang ven biển.

Hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia, đặc biệt là phục vụ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đề nghị Bộ Nội vụ và các ngành liên quan cân đối, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục (riêng Thanh Hoá còn thiếu gần 9.000). Số HS có xu hướng tăng nhanh, đến năm 2025 tỉnh Thanh Hoá dự tính sẽ thiếu đến 16.000 GV ở các cấp học, bậc học.

Đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các địa phương trong việc thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các hệ thống dùng chung, phục vụ cho việc quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học trên phạm vi toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ