Thanh Hóa: Sầm Sơn “ngủ đông” mùa dịch

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thành phố du lịch biển Sầm Sơn đã bị ảnh hưởng khá nặng nề trong những ngày đầu hè. Người ta ví rằng, thành phố du lịch biển Sầm Sơn của xứ Thanh đang như “ngủ đông”.

Đường phố Sầm Sơn vắng tanh.
Đường phố Sầm Sơn vắng tanh.

Những ngày đầu hè biển vắng tanh

Từ sau ngày 30/4, thành phố du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) hầu như vắng khách. Các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi và bãi tắm không còn không khí nhộn nhịp của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển.

Những người làm kinh doanh du lịch ở thành phố này đều tỏ ra lo lắng, buồn phiền vì dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của họ.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, tại thành phố Sầm Sơn những ngày này, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt. Thế nhưng, kể cả ngày cuối tuần, dọc các bãi tắm biển, khung cảnh rất vắng lặng, đìu hiu. Thi thoảng, mới xuất hiện một vài người xuống tắm biển.

Còn những khách sạn cao tầng dọc bên đường Hồ Xuân Hương, hầu hết đều “cửa đóng, then cài”. Có vài nhà hàng cũng mở cửa nhưng hầu như chẳng có khách ăn uống. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn ở Sầm Sơn bất đắc dĩ đã phải cho nhân viên nghỉ việc sớm vì không có việc để làm.

Bà Nguyễn Thị Chung – chủ khách sạn Chung Châu, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, buồn rầu, cho hay: Sau khi khai trương hè Sầm Sơn được vài ngày, từ ngày 30/4 đến nay không có khách đặt phòng.

Gần 20 ngày qua, khách sạn của gia đình bà đã phải cho nhân viên và người làm công nghỉ việc rồi. Trong khi đó, mỗi tháng phải trả lãi hàng chục triệu đồng, khiến những người kinh doanh như bà Chung gặp rất nhiều khó khăn.

“Với tình trạng dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, thì chưa biết khó khăn sẽ kéo dài như thế nào. Tuy nhiên, dù biết là khó khăn, vất vả nhưng vấn đề phòng, chống dịch vẫn phải là trên hết. Vì thế, chúng tôi luôn tuân thủ phòng dịch theo quy định của Nhà nước đề ra.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong Nhà nước quan tâm, có phương án giảm bớt lãi suất ngân hàng, để những người vay vốn kinh doanh không rơi vào tình trạng nợ xấu”, bà Chung chia sẻ.

Cũng theo bà Chung, cách đây vài năm gia đình bà đã vay vốn ngân hàng 4 tỷ đồng xây dựng khách sạn, với hơn 20 phòng để làm dịch vụ. Hai năm liên tiếp dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khách du lịch vắng vẻ, khiến những người làm dịch vụ khách sạn như bà gặp nhiều khó khăn.

Còn ông Hoàng Văn Tuấn – chủ khách sạn Hà Nội 2, ở đường Hồ Xuân Hương (TP Sầm Sơn), cho biết: Vừa qua, ông Tuấn đã phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để sửa chữa, tân trang lại khách sạn, để chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2021. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và có chiều hướng phức tạp, thì khách sạn của ông vắng lặng khách.

“Tôi dự kiến, với số lượng 100 phòng lưu trú, thì những ngày hè nắng nóng gay gắt, đặc biệt là cuối tuần, thì phải có 50 nhân viên, mới kích hoạt được hoạt động của khách sạn. Trung bình, lương của nhân viên mỗi tháng 6 triệu đồng/người, thì khách sạn cũng mới tạo được công ăn việc làm cho nhân viên và chúng tôi cũng mới có thu nhập.

Thế nhưng, thời gian qua không có khách, nên khách sạn đã phải cho nhân viên nghỉ việc vì không có tiền trả lương”, ông Tuấn thông tin.

Chỉ mong đại dịch sớm đi qua

Đại dịch Covid-19 bùng phát, đã khiến không chỉ những người làm kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở Sầm Sơn bị ảnh hưởng nặng nề, mà còn kéo theo nhiều người làm dịch vụ du lịch khác. Vắng khách du lịch, cũng có nghĩa là những người bán hàng giải khát, chạy taxi, xe điện, kinh doanh đồ lưu niệm... đều bị ảnh hưởng.

Với những người làm dịch vụ du lịch ở TP Sầm Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung, hầu hết chỉ mong sao đại dịch Covid-19 sớm đi qua. Bởi lẽ, những người làm du lịch ở Sầm Sơn bước vào hè 2021 với nhiều kỳ vọng để “bù lỗ” cho một năm 2020 khó khăn vì đại dịch.

Vì thế, để chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2021, các nhà hàng, khách sạn đã tập trung tu sửa, chỉnh trang lại hệ thống phòng ốc, khuôn viên cũng như nhân lực để đón khách.

Tuy nhiên, chỉ một tuần khai trương hè Sầm Sơn 2021, những người làm dịch vụ du lịch ở thành phố này lại như “ngồi trên đống lửa”, do khách liên tục hủy tour, trả phòng ngay trước kỳ nghỉ lễ đầu tiên.

Theo báo cáo từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 4 ngày nghỉ lễ từ 29/4 - 2/5 vừa qua, Thanh Hóa đón 374.000 lượt du khách. Riêng TP Sầm Sơn có 215.000 lượt khách (giảm 22% so với dự kiến và giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái).

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đến nay, mặc dù các ngành chức năng, chính quyền thành phố đã kiểm soát, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách khi về đây nghỉ dưỡng, nhưng Sầm Sơn vẫn đìu hiu.

Ông Bùi Quốc Đạt – Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cho biết: Theo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố nói chung, trong tháng 4 vừa qua, Sầm Sơn vẫn duy trì ổn định.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt kết quả khá. Tổng lượt khách, phục vụ ăn nghỉ, doanh thu du lịch đều tăng từ  8,9 - 12,8 lần, so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành phố đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải hành khách…

“Ngoài những người kinh doanh khách sạn, nhà hàng gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì nhiều lĩnh vực “ăn theo” du lịch ở Sầm Sơn cũng khá gian nan. Dù biết là khó khăn, nhưng việc phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh vẫn là trên hết.

Do đó, chính quyền, các ngành chức năng thành phố Sầm Sơn vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống dịch theo quy định. Nếu không quyết tâm ngăn chặn, phòng chống dịch thật tốt, thì nguy cơ rất khó lường”, ông Đạt cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ