Từ quả quýt hoi, nhiều hộ dân đã có thu nhập cao, giúp con em họ có điều kiện đến trường.
Sản vật truyền thống
Ông Hà Nam Ninh (73 tuổi), là một nhà nghiên cứu văn hóa Thái nổi tiếng ở Bá Thước, Thanh Hóa, giới thiệu với chúng tôi về nguồn gốc loài cây đặc sản quýt hoi.
Theo ông Ninh, cây quýt hoi là loại quýt mọc tự nhiên trong rừng, trên sườn núi cao, tại các bản xa hoang vắng.
“Quýt hoi có tên tiếng Thái cổ là pén hoi, vùng Pù Luông gọi là nghia hoi. Pén-nghia có nghĩa là quýt, hoi là ốc. Gọi là quýt ốc, vì nó có đặc điểm quả nhỏ, vỏ hơi sần sùi, có gai như vỏ ốc.
Đặc biệt, người dân tộc Thái, dân tộc Mường ở vùng Pù Luông khi nấu canh ốc, nhất thiết phải có lá quýt hoi làm gia vị, thì canh ốc mới thơm ngon. Vì thế, loài quả này mới có những cái tên, như: Pén hoi-nghia hoi-quýt hoi-quýt ốc”, ông Ninh lý giải.
Quả quýt hoi ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc biệt. Khi ăn quýt hoi, người ta cảm nhận đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái. Người vùng cao thường dùng vỏ quýt hoi làm trà uống, để chữa bệnh ho hen.
Quýt hoi ở Pù Luông là ngon và nhiều hơn cả. Nổi tiếng nhất là quýt hoi ở bản Nghia, xã Ban Công; bản Eo Kén, xã Thành Sơn (Bá Thước).
“Vào thời vua Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI), ông Mường Khoòng - quận Đông, Thái úy Hà Thọ Lộc, ra lệ: Miễn tất cả các khoản đóng góp, cống nạp của bản Kén, chỉ yêu cầu mỗi năm mang nạp ba gánh quýt, để ông Mường dùng và làm quà biếu nhà vua. Sự kiện ấy, trên sách chữ Thái còn ghi lại rõ ràng và trở thành thông lệ”, ông Hà Nam Ninh kể lại.
Tuy nhiên, do người dân không có nhu cầu sử dụng, lại là loài cây mọc hoang dã, nên trước kia, giống quýt hoi không được nhiều người quan tâm. Những năm gần đây, người ta mới quan tâm nhiều đến giống quýt hoi, để bán ra thị trường vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đến năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án “Phục tráng và phát triển giống quýt hoi Bá Thước”. Dự án nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bá Thước.
Theo đó, dự án này đã trồng 3.000 cây quýt hoi tại thôn Ba, xã Ban Công và thôn Eo Kén, xã Thành Sơn, với diện tích 4ha. Đến thời điểm này, dự án trên đã được coi là thành công.
Do đó, Sở KH&CN tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn các cây quýt hoi đầu dòng, để nhân giống ra F0, F1 trồng thương phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng.
Nhờ đó, người dân ở vùng đất này được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống quýt hoi sạch bệnh, kỹ thuật trồng mới, chăm sóc và phòng sâu bệnh. Sau 3 năm, các thế hệ F1, F2 cây quýt hoi sinh trưởng, phát triển tốt, cho kỳ thu hoạch 1 tấn/ha, với mức thu nhập 30 triệu đồng/1ha.
Tìm lối ra cho đặc sản quýt hoi
Từ khi Dự án “Phục tráng và phát triển giống quýt hoi Bá Thước” thành công, đến nay, huyện Bá Thước có hơn 60 hộ trồng loài cây này.
Tại xã Ban Công, hiện có 53 hộ dân tham gia trồng cây quýt hoi, với tổng diện tích 11ha. Để phát triển loại cây này, chính quyền xã đã vận động các hộ dân trồng phục tráng quýt hoi theo kỹ thuật mới. Hiện, nhiều diện tích đã phát triển tốt, dự kiến cho thu nhập cao trong vụ Tết năm 2022.
Anh Lương Văn Thanh, ở thôn 3, xã Ban Công, cho biết, gia đình anh trồng quýt hoi đã nhiều năm nay, nên ít nhiều cũng hiểu về cách chăm bón. Tuy nhiên, từ khi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây, mỗi năm gia đình anh thu hoạch hơn 20 tấn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. “Năm nay quýt được mùa, được giá nên được nhiều người dân quanh vùng đặt mua nhiều, để dùng trong dịp Tết Nguyên đán tới đây”, anh Thanh nói.
Người cùng thôn với anh Thanh, anh Hà Văn Chỉnh cho biết, trước đây anh phải đi làm thuê khắp nơi. Năm 2018, khi biết địa phương có chủ trương trồng phục tráng, phát triển cây quýt hoi, anh đã quyết định trở về quê, mua giống của các hộ dân trong xã, để thực hiện mô hình. Đến nay, gia đình anh Thanh đã có hơn 2ha cây quýt hoi cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập đạt 200 triệu đồng.
Ông Lương Văn Tư - Chủ tịch UBND xã Ban Công - cho biết, thời gian tới, xã sẽ nhân rộng thêm 20ha trồng cây quýt hoi. “Đồng thời, đấu mối với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để có nơi tiêu thụ sản phẩm cho bà con, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo tại địa phương. Nhờ trồng quýt hoi, nhiều hộ dân đã có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giúp con em họ có điều kiện và cơ hội đến trường học hành ổn định”, ông Tư cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bá Thước - cho biết, hiện địa phương này đã trồng được 13ha quýt hoi. Đây là giống quýt hoi bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người tin dùng.
“Trong vụ Tết này, bà con đang tập trung thu hoạch quýt hoi để bán. Bên cạnh đó, Công ty TNHH PuLuong Cuisine thu mua quýt hoi của bà con, để làm nguyên liệu, sản xuất “Trà Quýt Hoi”, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và khách du lịch khi đến Pù Luông.
Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trồng quýt hoi. Đồng thời, đấu mối với các doanh nghiệp, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm này, hướng tới xây dựng sản phẩm “Trà Quýt Hoi” đạt tiêu chuẩn OCOP trong năm 2022”, ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, “Trà Quýt Hoi” được làm từ 100% vỏ quả quýt tự nhiên, sấy khô bảo đảm quy trình, không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia. Múi quýt được vắt lấy nước cốt, sên cùng vỏ quýt, gừng ré, đường phèn, được đóng hộp theo quy trình khép kín. Sau đó, dung dịch này được pha trộn mật ong tạo thành một loại đồ uống thơm ngon, bổ sung vitamin C.
“Nhiều khách du lịch nước ngoài đến Pù Luông, người ta thường mua si rô quýt hoi để ăn kèm với bánh mỳ. Còn lại toàn bộ bã quýt hoi và những vỏ quýt không đạt chất lượng về màu sắc, sẽ được đem ủ cùng quả bồ hòn. Sau từ 3 - 5 tháng, sẽ thu được enzyme tẩy rửa an toàn, hiệu quả”, ông Tâm cho hay.