Thanh Hóa: Nông dân “tái mặt” vì mía tím

GD&TĐ - Hàng trăm héc-ta mía tím ở huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) vào mùa thu hoạch, tuy nhiên không thể bán hoặc giá quá rẻ.

Người nông dân ở huyện Bá Thước buồn bã khi mía tím mất giá.
Người nông dân ở huyện Bá Thước buồn bã khi mía tím mất giá.

Giá mía quá rẻ

Năm 2020, gia đình anh Hoàng Văn Trung, 24 tuổi, ở thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước trồng hơn 7 sào mía tím (3.500 m2). Những ngày cuối năm, các hộ dân ở Bá Thước đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng gia đình anh Trung không bán được một cây nào.

“Năm nay, chất lượng mía tím rất kém. Cây mía ngắn lóng, mắt lại dày nên người mua đều chê bai. Mía đến kỳ thu hoạch, nhưng không bán được, nên gia đình tôi chặt dần về cho bò ăn”, anh Trung nói buồn bã nói.

Ông Nguyễn Văn Huân - Trưởng thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng, cho biết: Thôn Xuân Long có 62 hộ dân, thì đã có hơn 50 hộ trồng cây mía tím. Thôn Xuân Long có khoảng 17 ha đất trồng màu, thì hầu hết những năm trước bà con đều tham gia trồng mía tím. “Vài năm trở lại đây, cũng bởi giá mía ngày càng giảm vì kém chất lượng, nên nhiều gia đình đã chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Huân cho hay.

Theo cách tính của trưởng thôn Xuân Long, trước đây, mỗi sào (500 m2) mía tím, người dân thu hoạch được từ 7 - 10 triệu đồng. Thế nhưng, vài ba năm trở lại đây, mỗi sào mía chỉ thu được chừng 2 - 3 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… đã mất 3,5-4 triệu đồng/sào, nên hầu hết người trồng mía đều bị lỗ nặng.

Ông Cao Thượng Xuân – Bí thư Đảng ủy xã Lương Ngoại, cho biết: Năm 2020, xã Lương Ngoại có vài chục ha đất nông nghiệp được trồng mía tím. “Cách đây vài năm, mỗi khi vào mùa thu hoạch mía tím, thương lái ở nơi khác về thu mua tại ruộng.

Cũng nhờ cây mía tím, nhiều gia đình nông dân ở một số xã, như: Lương Trung, Lương Nội, Lương Ngoại, Điền Trung, Điền Lư, thị trấn Cành Nàng....ăn nên làm ra. Thế nhưng, vụ mía năm nay, do chất lượng mía kém, nên giá thành giảm xuống rất thấp, người trồng mía không có lãi, thậm chí là thua lỗ”, ông Xuân cho biết thêm.

Còn ông Nguyễn Văn Huân - Trưởng thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng, cho hay: Năm nay, ở thôn Xuân Long chỉ có khoảng 5 ha mía bán được, nhưng giá chỉ khoảng 3 triệu đồng/sào. Số mía chưa bán được, nhiều người dân đã phải chặt dần cho trâu bò ăn hoặc bán cho chủ trang trại quanh vùng làm thức ăn chăn nuôi, giá chỉ 1,5 - 1,8 triệu/sào.

“Với tình trạng giá mía quá thấp như vậy, nhiều gia đình muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác, nhưng thôn chưa biết tìm loại hoa màu nào cho phù hợp. Trước mắt, bà con chủ yếu chuyển sang trồng sắn hoặc cỏ voi chăn trâu bò. Năm tới, chắc chắn nhiều hộ dân ở thôn không trồng mía tím nữa, mà bà con sẽ tìm hướng chuyển đổi sang loại cây trồng khác”, ông Huân nhận định.

Vì sao mía kém chất lượng?

Huyện Bá Thước là một trong những địa phương trồng mía tím nhiều nhất ở Thanh Hoá. Mía tím là loại cây trồng được nhiều hộ nông dân ở của huyện tham gia trồng. Đã có thời điểm, cây mía tím ở Bá Thước được mở rộng vùng sản xuất ra 13/23 xã, thị trấn trong huyện, như: Thị trấn Cành Nàng, xã Điền Trung, Điền Quang, Tân Lập, Điền Lư, Lương Trung, Lương Nội, Lương Ngoại... Tuy nhiên, năm nay không riêng thị trấn Cành Nàng, mà nhiều vùng trồng mía tím khác ở huyện này cũng trong cảnh mất mùa tương tự.

Theo kinh nghiệm của người trồng mía lâu năm ở huyện Bá Thước cho thấy, mía bị kém chất lượng, một phần do thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, không đủ nước tưới... trong khi cây mía lại rất cần nhiều nước. Do đó, cây mía không phát triển được, thân cây ngắn, nhỏ và nhiều mắt..., nên thương lái không mua.

Ông Hà Văn Ân - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bá Thước cho biết, năm 2020, tổng diện tích mía gần 804 ha, đạt sản lượng đạt hơn 56.000 tấn. So với năm 2019, mía tím có tăng về sản lượng, nhưng năng suất bình quân lại giảm. Diện tích mía mất mùa chiếm khoảng 35 - 40%.

Theo ông Ân, nguyên nhân mía kém chất lượng là do trong năm có đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 7. Ở thời điểm đó, cây mía lại trong thời kỳ vươn lóng, không đủ nước nên thắt ngọn, kém phát triển. Chỉ có một số vùng chủ động được nước tưới thì vẫn đảm bảo năng suất. “Với diện tích mía tồn đọng, được người dân lựa chọn làm giống cho vụ sau. Còn những cây không dùng được, thì bà con chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi cho các nông, gia trại”, ông Ân nói.

Ông Cao Thượng Xuân – Bí thư Đảng ủy xã Lương Ngoại cho biết, khi cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Hiện tại, ở Lương Ngoại, đã có một số hộ dân bỏ trồng mía, chuyển qua trồng cây gai xanh lấy sợi, để bán cho các công ty. “Hiện nay, để tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cho phù hợp ở Lương Ngoại, đang là vấn đề khó khăn. Bởi lẽ, cây mía tím hiện nay đã không còn phù hợp, vì giá cả không cao, người dân không mặn mà”, ông Xuân nói.

Theo thông kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bá Thước, năm 2021, địa phương này dự kiến giữ khoảng 700 ha trồng mía tím, tập trung cho những vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đối với diện tích kém chất lượng, huyện này định hướng sẽ chuyển sang cây hoa màu khác như sắn, ngô, cây gai xanh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.