Sau đợt bão lũ kéo dài trong 2 tháng 10 và 11 vừa qua, hàng trăm héc ta cây thanh trà ở tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngâm nước lâu ngày đang bị nấm, héo rụng lá, nhiễm bệnh, chết... gây thiệt hại lớn đối với người dân.
Hơn 240 héc ta thanh trà tại các vùng chuyên canh loại cây này ở phường Thủy Biều (TP Huế), phường Hương Vân (thị xã Hương Trà), xã Phong Thu (huyện Phong Điền) bị chết, số còn lại cũng đang bị khô héo dần. Hiện các chủ vườn đang thực hiện nhiều biện pháp khôi phục những vườn cây ăn quả, đặc sản xứ Huế.
Thanh trà là một trong những cây ăn quả đặc sản với vị ngọt thanh đặc trưng được trồng phổ biến ở một số địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thanh trà được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.
Nhiều năm qua, tận dụng lợi thế địa hình gò đồi và các diện tích ven sông Bồ, người dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở rộng diện tích trồng cây thanh trà. Tại đây có 400 hộ dân trồng thanh trà, với gần 140 ha, thu nhập bình quân trên một ha từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm, giúp người dân có cuộc sống ổn định. Sau mưa bão, nhiều diện tích cây thanh trà bị chết do ngâm dài ngày trong nước lũ. Một số khác bị nhiễm nấm khiến cây rụng lá, khô héo.
Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, người dân địa phương ra vườn dọn dẹp xới đất rải vôi rửa chua, khoét vỏ chống nấm bệnh lây lan, chặt cành bị gãy, chặt những cây bị chết… cứu các cây còn sót lại.
Có mặt tại các vườn cây thanh trà ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho thấy, nhiều chủ vườn sau khi xới đất xung quanh thì ngồi dưới gốc hoặc trèo lên trên cành cây thanh trà tìm chỗ bị nấm khoét vỏ loại bỏ những chổ bị nấm để chống bệnh lây lan và quét vôi ở thân cây, gốc cây, cắt tỉa các cành.
Ông Trần Hữu Thanh (SN 1957, trú thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiếc nuối khi nhìn vườn thanh trà cho biết, gia đình trồng được 6 sào với 50 cây đã 6 năm tuổi và mới bán vụ đầu tiên được 75 triệu đồng. Hứa hẹn sang năm thu nhập sẽ tăng gấp đôi nhưng hiện đã bị nấm bệnh tràn lan hoặc chết và chỉ còn khoảng 30 cây đang tiếp tục chăm sóc, mong sao cây không chết nữa.
“Lụt ngập quá nhiều, cây thanh trà không chịu nổi nước, ngâm khoảng vài ngày thì được, ngâm khoảng chục ngày, nên cây thanh trà không chịu nổi. Cây chết gần hết, chừ thì xem cây nào có khả năng thì cứu cây đó thôi”, ông Thanh ngậm ngùi nói.
Ở một vườn thanh trà khác, đang cố leo trèo lên cành cây thanh trà với vẻ mệt mỏi để quét vôi chống nấm bệnh, anh Hồ Văn Túy (trú phường Hương Vân) cho biết, tôi trồng được 300 cây và vừa rồi mới ra quả bán được 50 triệu đồng nhưng do ngâm nước lũ lâu ngày nên bị chết mất hơn 100 cây.
“Mọi năm cũng có ngập lụt nhưng chỉ diễn ra trong 1 - 2 ngày nên không sao, năm nay cây bị ngập trong nước gần nửa tháng nên chết hàng loạt. Thanh trà bị chết chủ yếu là những cây trồng khoảng 4 năm trở lại và ở nơi thấp trũng, hiện tôi đang tập trung cứu chữa bệnh cho các cây còn sót lại”, anh Túy cho hay.
Người dân phường Hương Vân cho biết, đa số những cây thanh trà bị chết là những cây mới trồng, chuẩn bị được thu hoạch quả từ 3 – 5 năm tuổi. Ngoài thiệt hại về kinh tế thì việc khôi phục hoặc trồng lại rất gặp khó khăn bởi thời gian chăm sóc ra quả dài ngày và nhanh nhất phải trồng được 6 năm mới cho thu hoạch quả.
Trao đổi với PV ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vân thông tin, địa phương có 138ha cây thanh trà từ 3 - 5 năm tuổi bị chết do mưa lũ và gây thiệt hại lớn. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân ra dọn vườn, chặt bỏ những cây thanh trà chết, cây bị nấm được xử lý bằng cách bôi vôi, tỉa bớt cành lá và trồng thêm cây mới vào chỗ cây chết.
Không chỉ người dân trồng cây thanh trà ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị thiệt hại sau các đợt mưa lũ mà hàng trăm hộ dân ở phường Thủy Biều (TP Huế) và xã Phong Thu (huyện Phong Điền) cũng rơi vào cảnh điêu đứng tương tự khi các cây thanh trà bị chết hoặc bị nhiễm sâu bệnh khiến cây yếu sức rồi chết.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt mưa bão ngập lụt vừa qua khiến 540ha cây có múi ở địa phương bị thiệt hại và phần lớn là cây thanh trà.