Tại Trường tiểu học Quảng Hưng (TP Thanh Hóa), đầu năm học 2017-2018, nhà trường đã đưa ra dự kiến thu các khoản dịch vụ, hỗ trợ gồm: bảo hiểm y tế (491.400 đồng/HS/năm); quỹ đội - sao (30.000 đồng); kế hoạch nhỏ (9.000 đồng); quỹ nhân đạo (10.000 đồng); thuê lao động vệ sinh sân trường, dọn nhà vệ sinh của giáo viên, HS (150.000 đồng); nước uống tinh khiết (50.000 đồng); sổ liên lạc điện tử (90.000 đồng); phí tiếng Anh phonic lớp 1 và 2 (450.000 đồng); kỹ năng sống (450.000 đồng); bảo dưỡng máy tính (63.000 đồng); trông giữ xe đạp (150.000 đồng/HS/năm).
Một số khoản thu khác như: phụ huynh hỗ trợ trông trẻ ngoài giờ (540.000 đồng/HS/năm); xã hội hóa, mỗi phụ huynh hỗ trợ ít nhất từ 350.000 đồng trở lên; mua rèm các lớp khu nhà 3 tầng mới (100.000 đồng/HS); quỹ phụ huynh nhà trường (200.000 đồng); hỗ trợ trông con chiều thứ 6 (700.000 đồng/năm); quỹ lớp + trực nhật (300.000 đồng); mua máy chiếu (442.000 đồng).
Ngoài ra, nhà trường còn phổ biến kế hoạch các khoản thu phục vụ công tác bán trú. Trong đó, tiền mua sắm và bổ sung đồ dùng phục vụ bán trú năm 2017 - 2018 đối với HS lớp 1 là 500.000 đồng, đối với HS lớp 2, 3, 4, 5 là 200.000 đồng; tiền thu suất ăn 22.000 đồng/HS/ngày; tiền phục vụ 135.000 đồng/HS/tháng (1.215.000 đồng/HS/năm).
Ngay sau khi có phản ánh của phụ huynh, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã tiến hành thanh tra và kết luận những sai phạm của Trường tiểu học Quảng Hưng trong việc đưa ra dự kiến thu nhiều khoản thu trái quy định, như: Huy động xã hội hóa, tổ chức dạy Tiếng Anh Phonic (học sinh lớp 1, 2), tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, thu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, huy động phụ huynh đóng góp mua rèm cửa lớp…
Tương tự, mới đây, một phụ huynh học sinh của Trường mầm non Đông Thọ B (TP Thanh Hóa) đã đưa lên mạng xã hội các khoản dự thu đầu năm học của nhà trường lên tới hơn 8.000.000 đồng/học sinh. Trong đó, các khoản dịch vụ, hỗ trợ gồm: đồ dùng học tập 278.700 đồng/năm, đồ chơi 150.000 đồng/năm, trông giữ xe, tiền ăn 24.000 đồng/ngày, sổ liên lạc điện tử 60.000 đồng, phí vệ sinh 150.000đồng/năm, bán trú 250.000 đồng/năm, phụ phí bán trú 180.000/tháng, kỹ năng sống 100.000 đồng/tháng, học thêm tiếng Anh 100.000 đồng/tháng, học múa 100.000 đồng/tháng…
Bên cạnh đó, một số khoản “tự nguyện” khác như: Xã hội hóa giáo dục, mỗi phụ huynh hỗ trợ từ 300.000 – 500.000 đồng; quỹ phụ huynh nhà trường 300.000 đồng, tiền đồng phục 65.000 đồng, bảo hiểm thân thể 60.000 đồng, đồ dùng cá nhân 150.000 đồng,..
Văn bản chỉ đạo chống lạm thu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Trước đó, để giải quyết tình trạng thu tiền trái quy định, ngày 14/9, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn đề nghị UBND tỉnh ban hành Chỉ thị chống lạm thu trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Ngày 25/9, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, căn cứ nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 16/CT- UBND ngày 15/9/2017 về việc giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm và thu tiền trái quy định tại các nhà trường và các quy định hiện hành của pháp luật để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc thu và sử dụng các khoản thu theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở GD&ĐT thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thu sai quy định; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh nếu để xảy tình trạng thu sai quy định trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hằng quý (vào 15 tháng cuối của quý), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.