Thanh Hóa: Người lao động thiệt thòi vì bị nợ lương

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn trong sinh hoạt, hơn 1.300 lao động tại Thanh Hóa bị nợ lương còn bị triệt tiêu luôn nhiều quyền lợi khác...

Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động đang làm việc khoảng 390.000 người.
Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động đang làm việc khoảng 390.000 người.

Sinh con 2 năm vẫn chưa được nhận chế độ thai sản

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh còn 5 doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp dân doanh chưa giải quyết tiền lương cho 1.375 người lao động với số nợ tiền lương là 18,57 tỷ đồng.

Đặc biệt, 3 doanh nghiệp nợ hàng tỷ đồng như: Công ty TNHH FLC Golf and Resort, Công ty CP Xi măng Công Thanh, Công ty CP Tập đoàn Vinastone - Hà Trung.

Trong số hơn 1.300 lao động bị nợ lương còn có hàng trăm người bị chấm dứt hợp đồng trong khi chưa được quyết toán đủ lương. Thậm chí, nhiều người sinh con đến 2 năm sau vẫn chưa được nhận chế độ thai sản.

Bà Vũ T.H.Q. (trú tại xã Quảng Thọ, TP Sầm Sơn) nằm trong số hàng trăm người lao động của Công ty TNHH FLC Golf and Resort bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Bà Q. cho biết, trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, công ty vẫn đang nợ tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) của bà. Đáng nói, bà Q. sinh con được hơn 2 năm nhưng vẫn chưa được thanh toán chế độ thai sản do công ty chưa đóng BHXH.

Bà Q. chia sẻ: “Không chỉ khi công ty làm ăn thua lỗ mà ngay thời điểm công ty làm ăn tốt, họ vẫn không đóng BHXH cho người lao động. Việc công ty chậm đóng BHXH khiến chúng tôi vô cùng thiệt thòi, các chế độ ốm đau, thai sản không được giải quyết.

Thậm chí, có người bị bệnh hiểm nghèo không được hưởng quyền lợi gì, có nhiều trường hợp sinh đẻ tới 2 lần vẫn chưa nhận được chế độ thai sản. Công ty có cam kết sẽ giải quyết toàn bộ lương, chế độ trong năm 2024, tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy không yên tâm”.

Còn bà T.T.L. (trú tại TP Sầm Sơn) cũng cho biết: “Tôi làm việc tại Công ty TNHH FLC Golf and Resort được 9 năm. Đến tháng 1/2024, thì tôi và gần 300 lao động đang làm tại đây bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, công ty vẫn đang nợ nhiều tháng lương. Người lao động đã có đơn kiến nghị với các ngành chức năng nên công ty đã trả lương tháng 9 và tháng 10/2023. Riêng các tháng còn lại (tháng 11, 12/2023 và tháng 1/2024), công ty cam kết đến ngày 30/4/2024 mới thanh toán hết”.

Không chỉ nợ lương, theo bà L., Công ty TNHH FLC Golf and Resort còn chậm đóng BHXH cho hàng trăm lao động với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Việc này không chỉ triệt tiêu quyền thụ hưởng của người lao động, mà còn gây khó khăn cho họ khi tìm việc làm mới và tiếp tục tham gia BHXH.

Thanh tra BHXH tỉnh Thanh Hóa làm việc với doanh nghiệp nợ lương người lao động.

Thanh tra BHXH tỉnh Thanh Hóa làm việc với doanh nghiệp nợ lương người lao động.

Đang có hơn 2.000 đơn vị chậm đóng BHXH

Tính đến hết ngày 31/12/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.006 đơn vị trong khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền chậm đóng là 431,042 tỷ đồng.

Trong đó, chậm đóng trên 12 tháng có 510 đơn vị, với số tiền chậm đóng 243 tỷ đồng; có 593 đơn vị chậm đóng khó thu (giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn...) đã dừng tính lãi với số tiền chậm đóng 130,774 tỷ đồng.

Đặc biệt, có 3 đơn vị chậm đóng BHXH với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/1/2024, Công ty TNHH FLC Golf and Resort đang sử dụng 562 người lao động, chậm đóng 35 tháng với số tiền hơn 29 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Công Thanh sử dụng 85 lao động chậm đóng 17 tháng với số tiền 4,861 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Vinastone - Hà Trung có 73 lao động chậm đóng 31 tháng với số tiền 4,167 tỷ đồng.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHXH đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thu - sổ - thẻ BHXH Thanh Hóa, cho biết trong số các đơn vị nợ đóng BHXH, Công ty TNHH FLC Golf and Resort có số nợ rất lớn (gần 30 tỷ đồng) và tăng rất nhanh theo từng năm.

Được biết, tính đến ngày 7/2, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 20.050 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động đang làm việc khoảng 390.500 người, trong đó có 97.836 người lao động đang làm việc tại 491 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và 292.664 người lao động đang làm việc tại 19.559 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Mặc dù số nợ BHXH của các doanh nghiệp rất lớn, thế nhưng giải pháp của các đơn vị liên quan cũng mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. Trong khi, theo quy định nếu công ty nào chây ỳ, chậm đóng BHXH cho người lao động trên 12 tháng có thể bị khởi tố, tuy nhiên tới nay tại Thanh Hóa chưa khởi tố được đơn vị nào.

Trước đó, tháng 12/2023, sau khi có thông tin người lao động bị nợ lương, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 văn bản về việc phối hợp giải quyết tình trạng này; hỗ trợ, không để tình trạng nợ lương người lao động.

Sở này đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chi trả lương, cắt giảm, cho thôi việc, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức làm việc với doanh nghiệp nợ lương trên địa bàn quản lý, đôn đốc doanh nghiệp trả lương đầy đủ cho người lao động; báo cáo cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý đối với trường hợp cố tình nợ lương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cách làm cv online Vieclam24hCách tạo cv đẹp, chất lượng