Thanh Hóa: Lực lượng kiểm lâm căng mình phòng chống cháy rừng dưới trời nắng như “đổ lửa”

GD&TĐ - Những ngày này, Thanh Hóa trời nắng như “đổ lửa” khiến lực lượng Kiểm lâm căng mình với công tác phòng chống cháy rừng.  

Lực lượng Kiểm lâm Lang Chánh (Thanh Hóa) đi tuần tra, kiểm soát rừng giữa những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Lực lượng Kiểm lâm Lang Chánh (Thanh Hóa) đi tuần tra, kiểm soát rừng giữa những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 647.107 ha rừng, trong đó trên 46.700 ha rừng thuộc vùng trọng điểm cháy (rừng trồng thông, rừng nứa, vầu, rừng tái sinh có thảm thực bì khô nỏ…).

Khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của gió Lào, khô, nóng như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh... nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức cao.

Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước (Thanh Hóa) diễn tập chữa cháy cho người dân địa phương.

Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước (Thanh Hóa) diễn tập chữa cháy cho người dân địa phương.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) là địa bàn có nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Bởi lẽ, địa phương này giáp với nước bạn Lào, ảnh hưởng của gió Phơn Tây Nam khô, nóng.

Ông Nguyễn Văn Bính - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Lát cho biết, Mường Lát có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 75.330,12 ha, trong đó, diện tích có rừng là 57.597,7 ha.

Diện tích có nguy cơ cháy cao gồm 6.122,8 ha, được chia làm 3 cấp: Cấp cực kỳ nguy hiểm là 2.150,4 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Tam Chung, Tén Tằn, Mường Lý, Quang Chiểu.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Mường Lát hướng dẫn người dân phát dọn thực bì.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Mường Lát hướng dẫn người dân phát dọn thực bì.

Cấp rất nguy hiểm là 3.299,5 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Mường Chanh, Tam Chung, Pù Nhi và cấp nguy hiểm 672.9 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Trung Lý, Nhi Sơn.

Cũng theo ông Bính, tại các khu vực nêu trên vật liệu cháy chủ yếu là cây le, lau lách, thực bì dày đã khô nỏ, cộng với thời tiết khô hanh kéo dài. Trong khi đó, tháng 3 và 4 là mùa sản xuất nương rẫy, xử lý thực bì trồng rừng của nhân dân trên địa bàn. Vì thế, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tiềm ẩn mức độ rất cao.

Những ngày nắng nóng, Kiểm lâm viên địa bàn ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phải thương xuyên đi hướng dẫn cho người dân về công tác PCCC rừng.

Những ngày nắng nóng, Kiểm lâm viên địa bàn ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phải thương xuyên đi hướng dẫn cho người dân về công tác PCCC rừng.

Ngoài ra, do phong tục tập quán lạc hậu, phát nương làm rẫy của đồng bào, nhất là đồng bào Mông, tình trạng đốt ong lấy mật khá phổ biến... cũng là nguyên nhân chính gây cháy rừng trên địa bàn huyện Mường Lát.

“Thời gian qua, Ban chỉ đạo PCCCR huyện Mường Lát đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng rà soát, xác định được 6.122,8 ha diện tích rừng có nguy cơ cháy cao tại 23 bản trọng điểm. Theo đó, đã xây dựng kế hoạch, các giải pháp kiểm soát nguy cơ cháy rừng tại từng khu vực đảm bảo ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Lang Chánh đi tuần tra rừng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Lang Chánh đi tuần tra rừng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Hiện, huyện Mường Lát đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần từ huyện đến các xã, thị trấn, gồm: Cấp huyện là 310 người, cấp xã, thị trấn là 2.265 người, 12 xe ô tô các loại, 1.485 xe máy và 3.980 dụng cụ thô sơ sẵn có trong nhân dân, để sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Bính thông tin.

Còn tại huyện Bá Thước, địa phương này có 56.174,65 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 38.492,38 ha, rừng trồng 17.782,37ha. Có 3 đơn vị chủ rừng nhà nước là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành và Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc.

Những khu vực còn giàu tài nguyên rừng chủ yếu là nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông quản lý.

Lực lượng Hạt Kiểm lâm Bá Thước hướng dẫn người dân sử dụng máy thổi gió để chữa cháy rừng.

Lực lượng Hạt Kiểm lâm Bá Thước hướng dẫn người dân sử dụng máy thổi gió để chữa cháy rừng.

Các vùng còn lại chủ yếu là rừng nghèo kiệt và núi đá cao, vùng sâu vùng xa khu dân cư của các xã, rừng giáp ranh với các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh và huyện Tân Lạc, Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình. Thảm thực bì chủ là cỏ tranh lau lách gặp điều kiện thời tiết nắng nóng kèm theo gió lào thổi rất dễ gây ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Cử  - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bá Thước cho biêt, khi có sự cố cháy rừng, Ban Chỉ đạo PCCCR huyện Bá Thước có khả năng huy động là 2.135 người.

Trong đó, lực lượng huy động từ các cơ quan, đơn vị cấp huyện 210 người, gồm: Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Công an, Quân sự, Tiểu đoàn 19, Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, lực lượng tự vệ các cơ quan.

Người dân địa phương và lực lượng Kiểm lâm huyện Bá Thước phát dọn thảm thực bì trong rừng.

Người dân địa phương và lực lượng Kiểm lâm huyện Bá Thước phát dọn thảm thực bì trong rừng.

Lực lượng Dân quân cơ động, chủ rừng nhà nước, các cơ quan, đơn vị 142 người. và lực lượng tại chỗ của 21 xã, thị trấn là 1.925 người.

Phương tiện, máy móc thiết bị, công cụ, dụng cụ chữa cháy rừng huy động ở các cơ quan, đơn vị cấp huyện để tham gia hơn 930 các loại phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ PCCCR. Đối với 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, có thể huy động 3.700 các loại phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ để tham gia chữ cháy rừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.