Tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45, từ xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa), với tổng chiều dài 14,6 km. Toàn tuyến được chia làm 3 dự án với tổng mức đầu tư là 1.417 tỷ đồng. Theo tiến độ thực hiện dự án, tuyến đường sẽ hoàn thành toàn bộ và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2024.
Cụ thể, dự án 1, cầu vượt sông Mã và đường hai đầu cầu dài 2 km, do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư và Liên danh Công ty CP 479 Hòa Bình, Công ty CP xây dựng Cầu Thanh Hóa là nhà thầu xây dựng.
Dự án 2, đoạn tuyến phía huyện Thiệu Hóa dài 7,35 km, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư và Liên danh Tổng Công ty CP Miền Trung, Công ty CP 47, Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành là nhà thầu xây dựng.
Dự án 3, đoạn tuyến phía huyện Hoằng Hóa dài 5,25 km, tổng mức đầu tư 307 tỷ đồng, do UBND huyện Hoằng Hóa là cấp quyết định đầu tư và làm chủ đầu tư; liên danh Công ty CP xây dựng Tuấn Linh, Công ty TNHH Hoàng Tuấn là nhà thầu xây dựng.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối giao thông giữa Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45 với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tạo tiền đề hình thành các khu công nghiệp hiện đại trong khu vực, đồng thời rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của tỉnh qua các huyện Thiệu Hóa, Yên Định với Quốc lộ 1A, giảm áp lực giao thông qua Quốc lộ 45, Quốc lộ 217 về Quốc lộ 1A; kết nối các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc với đường cao tốc Bắc – Nam.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: BTH). |
Ngoài ra, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng lưới giao thông theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và sớm hình thành các khu công nghiệp trong khu vực.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, đây là công trình đầu tiên được khởi công trong năm 2023, là năm đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
“Mặc dù ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, phải dành nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; ngân sách các huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa còn có những khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa đã bố trí, dành nguồn vốn ngân sách tỉnh, các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa đã nỗ lực ưu tiên dành nguồn ngân sách để đồng thời triển khai khởi công, xây dựng các dự án trên. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của Lãnh đạo tỉnh, Đảng bộ, nhân dân các huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa” - Phó Chủ tịch Mai Xuân Liêm nhấn mạnh.
Do đây là tuyến đường có quy mô lớn, diện tích chiếm dụng và giải phóng mặt bằng lớn, do đó để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu UBND các huyện, các Ban quản lý dự án làm chủ đầu tư và các sở, ngành tập trung chỉ đạo các phòng, ban của huyện, chính quyền các xã, thị trấn có tuyến đường đi qua làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với phần phạm vi dự án trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công theo kế hoạch tiến độ yêu cầu.
Đồng thời, rà soát các mỏ vật liệu trên địa bàn để kịp thời có giải pháp bảo đảm cung cấp đầy đủ kịp thời cho dự án. Các chủ đầu tư thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định về đầu tư xây dựng; tập trung chỉ đạo các nhà thầu thi công nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và hợp đồng đã cam kết.
Các sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án; chủ động và khẩn trương giải quyết các công việc liên quan đến dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; kịp thời báo cáo UBND tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án theo quy định.