Hải Phòng khởi công Trung tâm Chính trị - Hành chính hơn 2.500 tỷ đồng

GD&TĐ - Chiều 7/1, thành phố Hải Phòng đã khởi công Trung tâm Chính trị - Hành chính hơn 2.500 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng.
Phối cảnh dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng.

Dự lễ khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo thành phố Hải Phòng.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm trên diện tích đất rộng 13,63 ha với tổng mức đầu tư hơn 2.513 tỉ đồng.

Quy mô đầu tư xây dựng dự án, gồm: khu nhà chính được xây dựng trên diện tích gần 9 ha với 14 khối nhà được thiết kế đối xứng theo hai trục Bắc – Nam và Đông – Tây, cao từ 1 - 5 tầng, 2 khối nhà 15 tầng, 1 tầng hầm; khu kỹ thuật phụ trợ, gồm: sân, bãi để xe, đường nội bộ; sân vườn, cảnh quan; cấp điện ngoài nhà; cấp thoát nước ngoài nhà; hệ thống điều hòa thông gió, chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc, phòng chống mối, chống sét, tiếp địa; tuyến đường giao thông đối ngoại chiều dài khoảng 465 m, mặt đường rộng 55 m, tốc độ thiết kế 60 km/h…

Đại biểu nhấn nút khởi công dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng.

Đại biểu nhấn nút khởi công dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng.

Tại lễ khởi công ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: “Đây là một tổ hợp các công trình, gồm 14 khối nhà, trên diện tích 2,9 ha, gồm 2 tòa nhà cao nhất 15 tầng, 4 tòa nhà 5 tầng, 4 khối nhà 4 tầng và 4 tòa nhà 3 tầng. Các tòa nhà trên tạo nên hình tượng một con tàu, mang 2 cánh buồm, đang vươn ra biển lớn.

Tổng diện tích mặt sàn sẽ được xây dựng là gần 90.000 m2 mặt sàn, đảm bảo cho trên 2.500 người làm việc. Khi hoàn thành, tất cả các cơ quan của thành phố sẽ chuyển về đây làm việc, rất thuận tiện cho việc điều hành và phối hợp giữa các cơ quan”.

Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng được hoàn thành xây dựng sẽ kết nối với vùng lõi thành phố thông qua cầu Hoàng Văn Thụ. Đặc biệt kết nối với khu vực Nam Cầu Bính giữa huyện Thủy Nguyên, quận Hồng Bàng, huyện An Dương sẽ tạo sự kết nối đồng bộ cho Hải Phòng cất cánh.

Phối cảnh dự án nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

Phối cảnh dự án nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

Đảm bảo giao thông kết nối, chiều cùng ngày, UBND thành phố Hải Phòng cũng khởi công dự án nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

Khi dự án đầu tư xây dựng tuyến hoàn thành đã chuyển ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5 trở thành ngã năm với nhiều điểm giao cắt.

Việc xây dựng nút giao quan trọng này góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố; giảm thiểu tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 5 và đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển của nhân dân.

Lễ khởi công dự án nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

Lễ khởi công dự án nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

Dự án trị giá 668.831 triệu đồng, bao gồm các hạng mục như: Cầu vượt trực thông theo hướng đường Quốc lộ 5 - Nguyễn Văn Linh với chiều dài khoảng 285m, bề rộng 19,5m; tường chắn cho đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài khoảng 200m;

Nút giao thông dưới cầu bằng đảo xuyến có đường kính rộng 60m kết nối về các tuyến đường gồm: đường đi Nam cầu Bính, đường Tôn Đức Thắng, đường nối Vành đai 2 theo quy hoạch và đường Máng Nước. Đường nhánh hai bên nút giao rộng 9,5m sau đó vuốt dần kết nối về đường QL5 và đường Nguyễn Văn Linh.

Việc khởi công 2 dự án là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực góp phần cụ thể hóa định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thành phố Hải Phòng ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại theo định hướng tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 16 Đảng bộ thành phố. Tiếp tục thực hiện Chủ đề năm 2023 của Hải Phòng là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.