Thanh Hóa khẩn trương triển khai phòng, chống dịch bệnh Marburg

GD&TĐ - Tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai phòng, chống dịch bệnh Marburg.

Virus Marburg (màu xanh lam), vừa sinh sôi và gắn trên bề mặt của các tế bào bị nhiễm bệnh (màu vàng). (Ảnh: VTV).
Virus Marburg (màu xanh lam), vừa sinh sôi và gắn trên bề mặt của các tế bào bị nhiễm bệnh (màu vàng). (Ảnh: VTV).

Ngày 21/3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký công văn giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 1452/BYT-DP, về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg.

Công văn nêu: “ Ủy ban Nhân dân tỉnh nhận được Công văn số 1452/BYT-DP ngày 17/3/2023 của Bộ Y tế, về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, các sở, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quy định pháp luật, theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn nêu trên. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền”.

Theo Bộ Y tế, bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả. Bệnh có thể lây truyền từ động vật như dơi, động vật linh trưởng sang người và lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc virus Marburg.

Thời gian ủ bệnh bệnh từ 2-21 ngày. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết.

Đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao (50%-88%). Hiện, bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.

Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TL.

Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TL.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày). Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.

Thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.

Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài chủ động đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống để người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương.

Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg. Rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương (nếu có).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tìm hiểu về điều trị võng mạc đtđ hiệu quả