Theo đó, vừa qua, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có công văn số 14/SGDĐT-GDTrH ngày 4/1/2019, về việc thông báo kế hoạch triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của “Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”.
Nội dung công văn nêu: “Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu thủ trưởng các đơn vị là Trưởng phòng giáo dục các huyện, thị, thành phố và Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn, thông báo về kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh theo Quyết định số 3475/ QĐ-UBND, của UBND tỉnh ngày 17/9/2018.
Về kế hoạch khảo sát cho GV tiếng Anh theo dự kiến tại công văn số 2603/SGDĐT-GDTrH của Sở GDĐT Thanh Hóa ngày 18/10/2018, sẽ được tạm hoãn cho đến khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch của đề án (và có thông báo cụ thể sau).
Ngoài ra, công văn cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo nhanh về số liệu dạy học theo chương trình tiếng Anh 10 năm và tiến hành rà soát, cập nhật bổ sung thông tin chính xác về đội ngũ GV tiếng Anh của đơn vị mình, gửi đến Sở chậm nhất ngày 15/1/2019...
Công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. |
Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, nhiều GV cho rằng; Quyết định 3475/ QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 17/9/2018 về việc: Phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” và sau đó là công văn 2603/SGD ĐT của Sở GDĐT Thanh Hóa ngày 18/10/2018, thông báo kế hoạch rà soát, kiểm tra đánh giá trình độ năng lực của đội ngũ GV tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh. Đến ngày 5/11/2018, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành công văn 2776/SGDĐT-GDTrH về việc kiểm tra, đánh giá trình độ năng lực đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh, đã khiến không ít GV đang dạy môn học này rất băn khoăn về những vấn đề liên quan.
Cụ thể, theo Quyết định 3475/ QĐ-UBND tỉnh Thanh Hóa, sau khi rà soát tổng thể GV tiếng Anh toàn tỉnh, GV chưa đạt chuẩn sẽ phải đăng kí học bồi dưỡng, ôn thi và thi lấy chứng chỉ B2 (đối với GV cấp Tiểu học và THCS) và C1 (đối với GV THPT). Việc rà soát khảo sát, bồi dưỡng ôn thi và dự thi đều được tỉnh lên kế hoạch dự chi kinh phí hàng tỉ đồng, tuy nhiên trong công văn của Sở GDĐT Thanh Hóa lại yêu cầu GV phải tự túc kinh phí.
Từ năm 2012 đến 2017, tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu đề án ngoại ngữ này, tiến hành khảo sát, cử GV đi học bồi dưỡng, thi lấy chứng chỉ và hiện nay vẫn đang có lớp ôn thi. Sau đó Sở GDĐT còn cử những GV đạt chuẩn đi học lớp phương pháp giáo dục. Vậy, tại sao lần này UBND tỉnh vẫn chỉ đạo Sở GDĐT yêu cầu tất cả các trường điều động toàn bộ GV tiếng Anh tiếp tục rà soát tổng thể, trong khi GV đã có chứng chỉ đạt chuẩn do trường Đại học Quốc gia cấp? Liệu sau lần rà soát này, GV tiếng Anh trên địa bàn tỉnh còn phải tiếp tục rà soát nữa không?
Cũng theo đơn thư phản ánh, nhiều GV cho rằng, có nhiều tỉnh cũng thực hiện việc rà soát năng lực GV tiếng Anh. Tuy nhiên, ở những địa phương ấy, họ chỉ rà soát đối những GV chưa đạt chuẩn, còn đối với GV đã có chứng chỉ công nhận chuẩn thì sẽ không phải rà soát nữa, tránh tốn kém chi phí cho nhà nước không cần thiết, tránh mất thời gian để khỏi ảnh hưởng đến công việc dạy học bị gián đoạn và đặc biệt là tránh bức xúc đối với GV môn học này…