Thanh Hóa: Hiệu trưởng bị “tố” mắc nhiều sai phạm

GD&TĐ - Báo GD&TĐ nhận được đơn thư của cô giáo Nguyễn Thị Xuyến (Trường THCS Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tố cáo đích danh hiệu trưởng ngôi trường này về một số sai phạm trong quản lý, điều hành đơn vị. Phóng viên Báo GD&TĐ đã vào cuộc xác minh thực hư thông tin.

Ông Nguyễn Thái Sơn- Hiệu trưởng Trường THCS Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Ông Nguyễn Thái Sơn- Hiệu trưởng Trường THCS Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Giáo viên tố cáo hiệu trưởng

Trong đơn thư, cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, nêu: “Ông Nguyễn Thái Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Ngư Lộc không thực hiện quy chế chuyên môn theo Thông tư 28/2009/TT – BGD&ĐT – thực hiện đứng lớp 2 tiết/tuần, nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp trong một thời gian dài.

Ông Nguyễn Thái Sơn phân công giáo viên trực Tết nhưng không trả tiền làm thêm giờ theo điều 97 Bộ Luật Lao động năm 2012 . Cụ thể, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (2019), cô giáo Xuyến cũng được phân công trực ngày mùng 2 Tết.

Bên cạnh đó, cô giáo Xuyến cũng tố cáo ông hiệu trưởng nhà trường đã lợi dụng Ban chấp hành Hội phụ huynh của khối lớp 9 để thu tiền quà lưu niệm trái quy định, lấy cớ là mua sắm cơ sở vật chất.

Đơn tố cáo của cô giáo Nguyễn Thị Xuyến
Đơn tố cáo của cô giáo Nguyễn Thị Xuyến

Cụ thể, năm học 2017-2018, nhà trường thu mỗi học sinh 100.000 đồng (tổng khoảng 30 triệu đồng); năm học 2018-2019, thu mỗi học sinh 150.000 đồng (tổng số tiền khoảng trên 30 triệu đồng). Trong khi đó, theo công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh, thì nhà trường không được thu tiền của học sinh để mua sắm cơ sở vật chất vì mục này đã có ngân sách Nhà nước chi.

Theo thông tư  17/2012/TT-BGDĐT về việc dạy thêm, học thêm: “Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường, cha mẹ học sinh phải ký và cam kết”. Thế nhưng, năm học 2019-2020, Trường THCS Ngư Lộc ép học sinh đi học 100%  mà không cho viết đơn. Điều đáng nói ở đây là học sinh xã Ngư Lộc thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nhưng nhà trường vẫn thu mức tối đa 15.000đồng/1 buổi học...”.

Hiệu trưởng nói gì?

Làm việc với phóng viên GD&TĐ, ông Nguyễn Thái Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Ngư Lộc, khẳng định: Những vấn đề mà cô giáo Xuyến tố cáo ông là hoàn toàn vô căn cứ. Bởi lẽ, bản thân ông là hiệu trưởng nhà trường, nhưng thời gian qua ông vẫn thực hiện việc lên lớp dạy mỗi tuần 2 tiết theo quy định của Thông tư 28/2009/TT – BGD&ĐT.  “Việc thực hiện dạy 2 tiết/tuần được tôi thực hiện như sau: Chuyên môn của tôi là dạy hai môn Toán, Lý. Do đó, hàng tuần, tôi phụ trách công tác hướng nghiệp cho 7 lớp học, với số lượng 9 tiết/lớp/năm học. Ngoài ra, tôi có dạy một số tiết trên lớp để kiểm tra nề nếp học sinh. Về vấn đề này, hồi đầu năm cũng đã có đơn tố cáo tôi, nhưng hiện nay Công an huyện Hậu Lộc đang vào cuộc điều tra. Do đó, chúng tôi cũng đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng”, ông Sơn nói.

Về nội dung tố cáo hiệu trưởng phân công giáo viên trực Tết, nhưng không trả tiền làm thêm giờ cho những người tham gia trực Tết. Ông Nguyễn Thái Sơn, khẳng định: “Việc giáo viên tham gia trực Tết, thì trên địa bàn toàn huyện Hậu Lộc, các nhà trường đều thực hiện để hỗ trợ bảo vệ. Việc này, Nhà nước không quy định chi trả tiền trực Tết cho giáo viên. Không riêng gì ở địa bàn huyện Hậu Lộc, mà kể cả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cũng không có trường nào chi trả tiền trực Tết cho giáo viên”.

Trường THCS Ngư Lộc - nơi xảy ra sự việc.
Trường THCS Ngư Lộc - nơi xảy ra sự việc. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Điều 97 - Bộ luật Lao động năm 2012, quy định: “Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày...”

Đối với nội dung tố cáo về khoản tiền thu của học sinh khối 9 hàng năm, theo ông Sơn, lý giải: Đây là truyền thống của nhà trường từ xưa tới nay, chứ không phải lúc ông Sơn về làm hiệu trưởng mới đặt ra.

Do đó, mỗi năm học sinh khối lớp 9 ra trường, thì có một món quà để lưu niệm lại cho nhà trường và học sinh khóa sau. “Quan điểm của tôi là xin phụ huynh hỗ trợ bằng hiện vật lưu niệm, chứ không thu tiền. Do đó, Ban đại diện hội cha mẹ học sinh huy động tiền đóng góp để mua đồ lưu niệm tặng nhà trường. Năm 2017-2018, nhà trường xin hỗ trợ 8 chiếc bàn họp cho văn phòng; năm 2018-2019, nhà trường đề nghị phụ huynh tặng 2 chiếc ti vi hỗ trợ cho giáo viên dạy. Sau đó, phụ huynh tự mua ti vi và đưa đến tặng cho nhà trường”, ông Sơn cho hay.

Về việc dạy thêm học thêm, thực hiện theo quy định của Sở Giáo dục. “Quan điểm của ban giám hiệu là động viên học sinh nên tham gia học thêm, chứ không ép buộc. Những gia đình nào đang có 2 con học cấp 2, cấp 3 hoặc thuộc diện khó khăn thì làm đơn xin xác nhận UBND xã, để nhà trường căn cứ vào đó miễn tiền cho học sinh tham gia học thêm. Năm học 2018-2019, nhà trường thực hiện thu 14.000 đồng/buổi, đến năm nay nhà trường mới thu tăng lên 15.000 đồng/buổi”, ông Sơn cho biết.

Bà Chung Thị Đài – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hậu Lộc, cho biết: Phòng GD&ĐT và UBND huyện cũng nhận được đơn thư của cô giáo Nguyễn Thị Xuyến.

Ngày 17/10 vừa qua, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra xuống Trường THCS Ngư Lộc để xác minh những nội dung được cô giáo Xuyến nêu trong đơn tố cáo. “UBND huyện đã quyết định thành lập đoàn thanh, kiểm tra do đồng chí Trưởng phòng Nội vụ làm trưởng đoàn, tôi làm phó đoàn. Thời gian thanh, kiểm tra và xác minh các nội dung trong đơn thư tố cáo do cố Xuyến đứng đơn là 10 ngày. Đến ngày 28/10 tới đây, khi có kết quả cuộc thanh, kiểm tra này, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí”, bà Đài cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.