Thanh Hóa: Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn mòn mỏi chờ trợ cấp

GD&TĐ - Nhiều năm giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Quan Sơn (Thanh Hoá), nhưng đến nay, gần 20 giáo viên vẫn mòn mỏi chờ tiền trợ cấp.

Theo Nghị định 116 của Chính phủ, giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được nhận trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu.
Theo Nghị định 116 của Chính phủ, giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được nhận trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu.

Mòn mỏi chờ chế độ

Theo phản ánh của một số giáo viên từng công tác tại huyện miền núi Quan Sơn, đa số họ là những người được UBND huyện Quan Sơn ký tuyển dụng viên chức từ những năm 2013. Đến nay, nhiều người đã chuyển công tác đến địa bàn khác giảng dạy.

Năm 2020, những giáo viên này được thông báo làm hồ sơ gửi về Phòng GD&ĐT huyện để được nhận trợ cấp lần đầu do công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hồ sơ đã được các giáo viên hoàn tất ngay sau đó, nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa nhận được một đồng trợ cấp nào.

Một giáo viên (xin được giấu tên) cho biết, bản thân chị khi còn là giáo viên hợp đồng, phụ cấp rất ít ỏi nhưng vì tâm huyết với học sinh vùng cao nên đã không quản vất vả nhọc nhằn. Gần 10 năm sau, chị mới được UBND huyện Quan Sơn ký tuyển dụng viên chức (vào năm 2013). Do hoàn cảnh gia đình, năm 2017, chị chuyển công tác đến một địa phương khác.

“Tôi được biết, nhiều giáo viên tuyển dụng cùng thời điểm năm 2013 với chúng tôi đã được nhận trợ cấp ngay sau khi làm hồ sơ không lâu. Họ nhận luôn trong năm 2020, nhưng không hiểu vì lý do gì mà bản thân tôi và nhiều giáo viên khác vẫn chưa được nhận. Chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ hồi âm nào từ phía UBND huyện Quan Sơn”.

“Là những giáo viên được tuyển cùng thời điểm nhưng khi nhận chế độ thì người được nhận, người không được nhận là không công bằng. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu đến mức xác định coi như khoản tiền đó mình sẽ không được nhận. Như vậy là quá thiệt thòi.

Số tiền đó nó không quá lớn, nhưng đó là chế độ chính sách của Nhà nước, là động viên đối với giáo viên vùng khó. Hơn nữa, số tiền đó chúng tôi không được nhận thì sẽ đi đâu? Sẽ tạo ra tiền lệ xấu từ những việc nhỏ nhất…”, một giáo viên khác chia sẻ.

Theo tìm hiểu, trong số giáo viên làm hồ sơ nhận trợ cấp năm 2020, ngoài số người được UBND huyện Quan Sơn chi trả thì còn có 19 giáo viên đến nay vẫn chưa được nhận. Số tiền mỗi người hưởng thấp nhất là 10.500.000 đồng, cao nhất là 14.900.000 đồng. Tổng số tiền mà UBND huyện Quan Sơn phải chi trả trợ cấp cho 19 giáo viên là 214.300.000 đồng.

Được biết, trong số 19 giáo viên này, hầu hết đã chuyển công tác sang địa bàn khác.

Lời hứa có được thực hiện?

Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở

“Theo quy định mới tại Điều 6 Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thay thế cho Nghị định 116/2006/NĐ-CP) thì khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cá nhân sẽ được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết, sau khi có thông tin về việc giáo viên được nhận trợ cấp ban đầu giảng dạy vùng đặc biệt khó khăn, đơn vị đã thông báo tới toàn thể giáo viên để làm hồ sơ, trong đó có cả giáo viên đã từng công tác trên địa bàn và hiện đã chuyển đi nơi khác.

“Phòng cũng đã tổng hợp danh sách kèm hồ sơ của giáo viên đã chuyển đi nơi khác bàn giao về Phòng Tài chính huyện. Phòng GD&ĐT chỉ làm công tác phối hợp còn công tác chi trả như thế nào sau đó là do Phòng Tài chính”, ông Lê Huy Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn thông tin.

“Năm 2020, trong số giáo viên gửi hồ sơ nhận chế độ, có người được nhận, người chưa được nhận là do nguồn kinh phí hạn hẹp nên ưu ái giáo viên trên địa bàn còn giáo viên đã chuyển đi thì phải chờ kế hoạch cho đợt sau”, bà Lê Thị Hương Giang, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND huyện Quan Sơn) giải thích.

Cũng theo bà Giang, chỉ có 19 giáo viên chuyển đi là chưa được nhận, còn tất cả các trường hợp sau này cứ ký hợp đồng tuyển dụng viên chức là giải quyết chế độ cho họ luôn theo quy định mới.

Trao đổi với PV GD&TĐ, bà Lương Thị Hiền, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND huyện Quan Sơn) xác nhận, hiện có 19 giáo viên vẫn chưa được nhận chế độ trợ cấp lần đầu.

“Nguyên nhân là do bí nguồn nên chúng tôi ưu ái giải quyết đối tượng trên địa bàn còn những người chuyển đi thì chưa giải quyết, chúng tôi vẫn xác định phải trả nhưng cũng có cái khó. Năm 2022 này cũng đã cân đối được rồi, trong tháng 11 này hứa là sẽ cấp về cho các trường để chi trả tới các giáo viên”, bà Hiền cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ