Các khâu tổ chức kỳ thi nghiêm túc
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa kí công văn gửi Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu rà soát, đánh giá công tác tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần đảm bảo công bằng, khách quan; kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh.
Ông Hoàng Văn Thi – Phó GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa
Tại cụm thi số 27, tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Thi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Bộ yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhất là khâu coi thi, chấm thi và gửi báo cáo trước ngày 02/08.
Hiện Sở đang thực hiện quá trình rà soát. Tuy nhiên, có thể khẳng định tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rất nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Như đã thông tin với các cơ quan truyền thông, báo chí trước đó, phương châm của Thanh Hoa trong triển khai kỳ thi này là “Nghiêm từ trong, phòng từ xa, ngăn chặn ngay từ đầu”.
Tất cả những người tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi từ Ban chỉ đạo thi, trưởng, phó điểm thi, thư ký, giám thị, thanh tra và lực lượng an ninh, bảo vệ thực hiện nghiêm tục, đúng quy chế thi.
Chú ý phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận trong thi cứ nếu có. Nhằm đảm bảo kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng đối với mọi thí sinh.
Lên phương án, dự phòng những tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi về an ninh, trật tự, an toàn thi, phục vụ, đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi… Tham mưu với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan để xử lý nếu có sự cố xảy ra.
Điểm thi chính xác, phổ điểm bình thường
Mặc dù cụm thi số 27 tại Thanh Hóa có số lượng thí sinh dự thi lớn, tuy nhiên “với việc thực hiện các khâu nghiêm túc, khách quan, chu đáo, đúng quy chế như vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Thanh Hóa đã thành công. Kết quả điểm thi của thí sinh là chính xác”, ông Hoàng Trọng Thi cũng nhận định.
Sau khi công bố kết quả thi, Thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho thấy có 79 thí sinh đạt từ 26 đến 27,65 điểm/3 môn xét tuyển đại học theo khối; 9 thí sinh đạt điểm 10 ở phân môn Giáo dục công dân thuộc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Các môn và phân môn còn lại không có thí sinh đạt điểm 10.
Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ thí sinh đạt 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học và điểm 10 ở các môn thi giảm sâu so với năm 2017.
Theo ông Hoàng Văn Thi, phổ điểm của Thanh Hóa như trên là bình thường, đề thi năm nay có sự phân hóa rõ hơn so với năm trước nên số thí sinh đạt điểm cao ít hơn.
Bên cạnh đó, có 319 bài thi bị điểm liệt, trong đó, môn có bài thi bị điểm liệt nhiều nhất là tiếng Anh với 133 bài thi, môn Toán có 66 bài thi, môn Sử có 39 bài thi…
Sau khi có điểm thi, các trường trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện xét tốt nghiệp THPT cho các thí sinh. Kết quả, có 32.869/33.725 thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 97,46%. Tỷ lệ này cao hơn so với năm 2017 là 0,03%. Trong đó, thí sinh khối THPT đạt 97,89%; khối bổ túc THPT đạt 92,67%.
Sở GD- ĐT Thanh Hóa thu nhận đơn phúc khảo từ ngày 11 đến 18/7. Điểm phúc khảo được công bố ngày 28/7. Quá trình chấm phúc khảo cũng được thực hiện theo đúng các quy trình và quy chế của Bộ GD&ĐT.
Ông Hoàng Văn Thi cũng cho biết thêm: Với phổ điểm của thí sinh tại cụm thi Thanh Hóa, các trường ĐH, CĐ có thể thuận lợi để xét tuyển. Tuy nhiên, thực hiện tự chủ giáo dục, các trường đều được xây dựng quy chế tuyển sinh riêng. Ngoài ngưỡng xét tuyển đầu vào sử dụng dữ liệu từ điểm thi THPT quốc gia, nhiều trường còn xét học bạ. Tùy vào năng lực đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh cho phép mà các trường có phương án tuyển sinh phù hợp.