Thanh Hóa đang buông lỏng quản lý chung cư

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không thành lập ban quản trị, không mở tài khoản phí bảo trì… là tình trạng đang diễn ra ở nhiều chung cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Người dân chỉ biết được vào ở chứ không biết dự án đã được nghiệm thu hay chưa.
Người dân chỉ biết được vào ở chứ không biết dự án đã được nghiệm thu hay chưa.

Đã làm hết trách nhiệm... về mặt văn bản?!

Người dân tại TP Thanh Hóa vẫn chưa quên vụ cháy hệ thống điện xảy ra tại chung cư 379 (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) vào cuối năm 2022.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, rất nhiều hộ dân đã vào ở. Dù không có thương vong nhưng đã gây thiệt hại tài sản ước tính gần 10 tỉ đồng.

Ngay sau đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với chung cư 379 do công trình chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; các hạng mục phụ trợ của tòa nhà vẫn chưa hoàn thiện, chung cư chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Chủ đầu tư đã cắt toàn bộ điện, nước để yêu cầu người dân di dời khỏi chung cư.

Trước tình trạng không có nơi ở, cư dân ở đây đã căng băng rôn thể hiện sự bức xúc, yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thiện các hạng mục, bàn giao nhà trước Tết Nguyên đán 2023.

Đáng nói, theo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư dự án này vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện cho người dân vào ở. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại đây, người dân đã kéo nhau vào ở rất đông.

Chung cư 379 Thanh Hóa là dự án nhà ở xã hội do Công ty cổ phần Xây dựng - Phát triển nhà 379 làm chủ đầu tư.

Không chỉ chung cư 379, tại khu nhà ở xã hội phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, một số cư dân cũng đã dọn đến ở sau khi hoàn thành nội thất.

Dự án này đến nay chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cơ quan chức năng chưa cấp phép hoạt động.

Cư dân ở đây cho biết, họ được chủ đầu tư nói cứ làm đơn với nội dung có nhu cầu nhà ở thì sẽ được cho vào ở.

Cũng chung tình trạng, Dự án Nhà ở công nhân khu công nghiệp và đô thị Hoằng Long (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) cũng cho dân vào ở trước khi được nghiệm thu PCCC cũng như nghiệm thu công trình xây dựng.

Chủ đầu tư đã cho người dân vào ở từ tháng 4/2022, nhưng cho đến tháng 5/2023, công trình mới được nghiệm thu.

“Chúng tôi chỉ biết được vào ở là vào chứ không biết công trình đã có đủ điều kiện pháp lý hay như thế nào...”, một cư dân ở đây cho hay.

Theo ông Trịnh Khắc Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), cấp phường nhiều khi không nắm được việc chung cư có đủ điều kiện pháp lý cho dân vào ở hay không mà chỉ quản lý con người khi họ đến ở trên địa bàn.

“Chúng tôi không được bàn giao hồ sơ nên có cái khó khi kiểm soát tình trạng này”, ông Thông thông tin.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa, cho biết: “Việc các chung cư chưa đủ thủ tục pháp lý, ở cấp tỉnh, cấp thành phố nắm được chứ cấp phường thường không nắm được. Vì thế mới có tình trạng chưa có thủ tục nghiệm thu nhưng vẫn làm các thủ tục khác như thành lập ban quản trị. Ban quản trị thì theo nguyên tắc phải có người vào ở. Chung cư chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chính quyền vẫn ký chấp thuận cho thành lập ban quản trị”.

Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát tình hình các chung cư trên địa bàn.

Sở Xây dựng có giám sát, có kiểm tra và thường xuyên đôn đốc, về mặt văn bản cũng đã làm hết trách nhiệm, nhưng trên thực tế khi triển khai có nhiều vướng mắc.

“Khi đi kiểm tra phát hiện, mời dân ra ngoài, lại xảy ra tình trạng người dân không có chỗ ở, phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng cũng chỉ biết thúc đẩy nhà đầu tư. Tình trạng không chỉ riêng Thanh Hóa mà rất nhiều nơi vướng phải”, ông Tuấn nói.

Chung cư 379 vẫn chưa đủ thủ tục pháp lý để bàn giao.

Chung cư 379 vẫn chưa đủ thủ tục pháp lý để bàn giao.

Không quyết liệt trong xử lý?

Theo ông Tuấn, Sở Xây dựng Thanh Hóa có rà soát tình trạng chung cư chưa đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng vẫn cho dân vào ở.

Nhưng tại báo cáo Sở này gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, không hề có mục này, không có phương án đề xuất xử lý…

Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa cũng cho biết, việc cho dân vào ở khi chưa đủ điều kiện pháp lý đều có chế tài xử phạt. Thẩm quyền xử phạt là của UBND tỉnh.

Thế nhưng, đến nay chưa có chủ đầu tư nào bị xử phạt về tình trạng trên.

Duy nhất có chung cư 379 bị xử phạt nhưng nguyên nhân xử phạt lại là do chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Cuối năm 2022, Sở Xây dựng Thanh Hóa có kiểm tra 13 chung cư và phát hiện nhiều chung cư vi phạm trong việc chưa lập ban quản trị, chưa mở tài khoản ngân hàng phí bảo trì. Tuy nhiên, điều lạ là không có bất kỳ chủ đầu tư nào bị xử phạt.

Tại báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Xây dựng Thanh Hóa nêu rõ, trong quá trình hoạt động, việc phát sinh nhu cầu để phương tiện chưa được đơn vị quản lý, vận hành chặt chẽ, dẫn đến việc đậu đỗ dưới lòng đường, lề đường, sân chung cư, ảnh hưởng đến đường giao thông phục vụ xe chữa cháy, bãi đỗ xe chữa cháy không bảo đảm theo quy định, đặc biệt vào ngày nghỉ và ban đêm.

Cụ thể, như chung cư Tecco Tower, chung cư thu nhập thấp C5 Đông Vệ, chung cư Louis Apartment Tower…

Trên thực tế, việc phát hiện, xử lý rốt ráo tại các chung cư có “vấn đề” đến nay vẫn là bài toán nan giải đối với cơ quan chức năng tại Thanh Hóa.

Thanh Hóa hiện có 23 chung cư, trong đó có 18 dự án nhà ở xã hội (17 dự án tại TP Thanh Hóa và 1 dự án tại huyện Hoằng Hóa). Hiện nay, tại các khu nhà ở xã hội nêu trên, có 8 dự án đã thành lập ban quản trị nhà chung cư; 9 dự án chưa đủ điều kiện để thành lập ban quản trị; 1 dự án đủ điều kiện nhưng chưa thành lập. Có 15 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất; 3 dự án chưa được giao đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ