Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn cho dân vùng lũ

GD&TĐ - Do lượng mưa lớn, mực nước trên các sông dâng cao. Để chủ động đối phó với thiên tai, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được di dời khẩn cấp để "chạy lũ"…

Xã Thạch Định, huyện Thạch Thành chìm trong nước lũ
Xã Thạch Định, huyện Thạch Thành chìm trong nước lũ

Theo ghi nhận, trưa ngày 12/10 mực nước trên sông Mã vẫn dâng cao, nước chảy siết, nhiều nơi nước sông tràn đê như đoạn qua xã Hoằng Khánh… Tương tự, trên sông Bưởi, sông Chu, nước vẫn tiếp tục dâng cao, có nhiều đoạn nước sông tràn bờ.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão Thanh Hóa, tính đến trưa ngày 12/10, toàn tỉnh đã tiến hành di dời được 17.000 người dân đến nơi an toàn, trong đó tập trung chủ yếu các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Thạch Thành, Nông Cống, Tĩnh Gia…

Nước sông Mã dâng cao, đoạn qua xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa
Nước sông Mã dâng cao, đoạn qua xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa

Tối ngày 11/10, tuyến đê sông Bưởi đoạn chạy qua địa bàn xã Thạch Định, huyện Thạch Thành đã bị nước lũ tràn qua. Để đảm bảo an toàn, hàng trăm hộ dân tại các xã Thạch Định, Thạch Tiến, Thạch Tân, thị trấn Kim Tân... đã được yêu cầu di chuyển khỏi vùng nguy hiểm ngay trong đêm. Huyện Thạch Thành đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để chống lũ, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực, không để cho nhân dân đói, rét trong lũ.

Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thành cũng đã di chuyển 218 bệnh nhân đến nơi điều trị an toàn. Hiện các tuyến Quốc lộ 45, Quốc lộ 217 về trung tâm huyện Thạch Thành đều bị ngập nước, chia cắt. Thuyền, xuồng là phương tiện để lực lượng chức năng di chuyển cứu trợ, kiểm tra, chỉ đạo tình hình mưa lũ.

 Hàng chục cột điện bị gãy đổ

Tại các huyện miền núi, lũ quét cũng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, công trình. Trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) có một người mất tích, một người bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện. Do mưa lũ diễn biến phức tạp, huyện, xã đã phải sơ tán khẩn cấp 43 hộ (193 người) ở xã Tam Thanh, thị trấn Quan Sơn, xã Trung Thượng, Sơn Điện đến nơi an toàn.

Đến nay vẫn còn sáu bản của ba xã vẫn bị cô lập do mưa lũ là: xã Sơn Điện bị cô lập bản Sủa, bản Na Hồ; xã Na Mèo bị cô lập ba bản (Sa Ná, bản Son, bản Ché Lầu); xã Trung Tiến bị cô lập bản Lầm. Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng gây đổ gãy hơn 20 cột điện cao thế, hàng chục cột hạ thế, gây mất điện lưới quốc gia toàn huyện Quan Sơn từ chiều ngày 11/10.

Mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đường của huyện miền núi Quan Sơn
Mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến đường của huyện miền núi Quan Sơn

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, ngày 12/10, tại hầu hết các huyện miền núi Thanh Hóa đều đang tiếp tục cho học sinh nghỉ học, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, học sinh phải đi qua khe, suối, đập tràn.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp tục triển khai phương án chống lũ, lụt đảm bảo an toàn cho hạ du, chủ động sơ tán dân cư ở bãi sông, khu vực thấp trũng, vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đẩm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức tuần tra, canh gác, đặc biệt các vị trí xung yếu hoặc đã bị sự cố trong các đợt mưa, bão vừa qua để đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm không để người dân bị đói khát….

Đảm bảo an toàn vật nuôi cho người dân
Đảm bảo an toàn vật nuôi cho người dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ