Thanh Hóa: Cựu công an chủ mưu vụ tống tiền 25 tỷ đồng lĩnh án nặng

GD&TĐ - Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Cưỡng đoạt tài sản", đối với 6 bị cáo tổ chức tống tiền 2 lãnh đạo huyện Tĩnh Gia. Số tiền mà nhóm bị cáo yêu cầu, là 25 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên tòa.
Toàn cảnh phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án tống tiền lãnh đạo huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), gồm: Lê Xuân Hoàng (SN 1978); Nguyễn Quốc Hưng (SN 1979); Lê Trần Sính (SN 1974); Lê Trần Tiến Đạt (SN 1998); Lê Doãn Tài (SN 1985) và Phạm Văn Ân (SN 1988), tất cả trú tại tỉnh Thanh Hóa.

Cựu công an là chủ mưu vụ tống tiền

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Thanh Hóa: Lê Xuân Hoàng và Nguyễn Quốc Hưng là bạn học cùng khóa D29, Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an). Sau khi ra trường, 2 người công tác ở các đơn vị khác nhau, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc.

Năm 2007, Lê Xuân Hoàng bị Tổng Cục an ninh (Bộ Công an) kỷ luật với hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân. Sau đó, Hoàng trở về quê ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) sinh sống, làm nghề tự do.

Còn Nguyễn Quốc Hưng, vì lý do cá nhân, nên cuối năm 2017 đã xin ra khỏi ngành công an, làm lao động tự do tại TP Hà Nội.

Sau Tết Nguyên đán năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Nguyễn Quốc Hưng về TP Thanh Hóa sống và nhờ Hoàng tìm việc làm giúp tại huyện Tĩnh Gia.

Nghe Hưng đề nghị tìm việc, Hoàng nói với Hưng là có việc làm đơn giản mà nhanh lấy được tiền. Đó là, giả danh làm chủ doanh nghiệp, rồi đến phòng làm việc của các lãnh đạo huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) biếu tiền, quà và bí mật quay video làm bằng chứng để tống tiền.

Nguyễn Quốc Hưng đã đồng ý và cùng Hoàng tính toán lên kịch bản. Hưng đóng vai Phong - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí xây dựng và Dịch vụ thương mại Trang Phong (gọi tắt là Công ty Trang Phong), có địa chỉ ở TP Thanh Hóa.

Sau đó, Hưng đến UBND huyện Tĩnh Gia gặp các ông Hồ Đình Tùng, Trương Bá Duyên, đều là Phó Chủ tịch UBND huyện, nhờ giúp đỡ cho doanh nghiệp vào đầu tư các dự án, như: Khai thác mỏ đất, đấu thầu… ở huyện rồi đưa tiền, quà cho ông Tùng, ông Duyên và bí mật dùng thiết bị quay lén lúc đưa tiền.

Khoảng giữa tháng 5/2020, để thực hiện được hành vi trên, Lê Xuân Hoàng đã chuẩn bị các loại tiền mệnh giá 500 nghìn đồng và tiền USD mệnh giá 100 USD.

Bị cáo Lê Xuân Hoàng.
Bị cáo Lê Xuân Hoàng.

Sau đó, Hoàng phân công Lê Trần Tiến Đạt (là em họ) dùng xe ô tô chở Hưng vào phòng làm việc của ông Hồ Đình Tùng đưa cho ông Tùng hai lần tiền, tổng cộng 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn đưa cho ông Trương Bá Duyên 1 lạng cao động vật, 15 triệu đồng và 1.000 USD.

Khi có được các đoạn video đưa và nhận tiền, Lê Xuân Hoàng trực tiếp soạn thư có nội dung đe dọa, yêu cầu ông Tùng phải đưa 5 tỷ đồng; ông Trương Bá Duyên 20 tỷ đồng, nếu không sẽ phát tán các video lên mạng xã hội.

Ngày 16/5/2020, theo sự chỉ đạo của Hoàng, Lê Trần Tiến Đạt đã đi xe ô tô đến đón Lê Trần Sính (là anh em họ của Hoàng) đi đến tận nhà ông Tùng và ông Duyên để gửi thư tống tiền.

Sau đó, Hoàng đưa USB chứa dữ liệu, đơn nặc danh tố cáo ông Hồ Đình Tùng nhận tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp cho Phạm Văn Ân - phóng viên Tạp chí Tài chính doanh nghiệp vào cuộc, để “rung”, “dọa” khiến ông này lo sợ phải đưa tiền.

Phạm Văn Ân biết rõ mục đích của Hoàng mượn báo chí để đe dọa, tống tiền lãnh đạo huyện Tĩnh Gia, nhưng vẫn đồng ý nhận lời. Phạm Văn Ân rủ thêm Lê Doãn Tài - phóng viên Tạp chí Tài chính doanh nghiệp cùng tham gia.

Tại phiên tòa, Lê Xuân Hoàng (người được xác định là kẻ chủ mưu) thừa nhận mình dàn dựng kịch bản rồi bảo Hưng đi quay clip. Tuy nhiên, bị cáo cũng phủ nhận việc mình tống tiền.

Liên quan tới các clip quay đưa tiền cho ông Hồ Đình Tùng, bị cáo Hoàng cho rằng, kịch bản quay clip để chống tiêu cực. 

Minh chứng là sau khi quay clip, đã gửi USB cho UBND thị xã Nghi Sơn và cho một lãnh đạo Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, sau một thời gian không thấy xử lý, nên mới gửi cho 2 phóng viên là Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài.

Lê Xuân Hoàng cũng khẳng định, mình không viết 2 bức thư tống tiền có nội dung như cáo trạng truy tố. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc 2 bức thư, cũng như làm rõ người tung clip ông Tùng nhận tiền (do Hưng quay) lên mạng xã hội.

Còn bị cáo Sính và Đạt cũng thay đổi nhiều lời khai trước đó. Các bị cáo cho rằng, bản thân bị ép cung, bị đánh nên mới khai như vậy.

Tuy nhiên, tại tòa, đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa đã cho trình chiếu video quá trình hỏi cung Đạt và Sính thể hiện không có việc đánh đập.

Bị hại có nhận tiền của bị cáo

Tại phiên tòa, bị hại là ông Trương Bá Duyên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nghi Sơn (thời điểm bị tống tiền là Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia) thừa nhận: Có 3 lần Nguyễn Quốc Hưng đến phòng làm việc của ông để đặt vấn đề nhờ vả rồi gửi quà, lần 5 triệu đồng, 10 triệu đồng và 1.000 USD.

Bị cáo Nguyễn Quốc Hưng.
Bị cáo Nguyễn Quốc Hưng. 

Ông Duyên lý giải, những lần nhận tiền đó, ông thấy mình như bị thôi miên, nên mới nhận. Sau khi có thư tống tiền, ông đã chuẩn bị tiền bỏ vào vali để đưa cho 2 phóng viên và gắn camera quay lại nhằm "cài bẫy" báo công an. Tuy nhiên, 2 phóng viên này không nhận giúp ông Duyên xử lý vụ việc.

Tham gia bào chữa cho bị cáo Lê Xuân Hoàng, luật sư đề nghị làm rõ 2 bức thư tống tiền. Luật sư nhận định: Có dấu hiệu của sự tạo dựng. Người đưa video ông Tùng nhận hối lộ lên YouTube, tại sao chưa điều tra?

Clip quay cảnh nhận tiền của hai Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia chỉ có Hoàng, Hưng, 2 phóng viên và lãnh đạo huyện. Cần làm rõ việc nhận hối lộ của các lãnh đạo.

Đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa đã đọc bản luận tội và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê Xuân Hoàng 17-18 năm tù. Đề nghị xử phạt Nguyễn Quốc Hưng 30-36 tháng tù giam; Lê Trần Sính 36-42 tháng tù giam.

Đối với bị cáo Phạm Văn Ân, Viện KSND đề nghị tòa xử 24-30 tháng tù giam; Lê Doãn Tài 24-30 tháng tù giam. Còn bị cáo Lê Trần Tiến Đạt, bị đề nghị xử mức án 30-36 tháng tù giam.

Dự kiến, phiên tòa sẽ tuyên án vào ngày đầu tuần tới, sau khi nghị án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.