Những trường hợp bị chó dại cắn dẫn đến tử vong gồm: Cháu L.T.T. (SN 2014, ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân), chị N.T.H. (SN 1985; ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh) và anh L.V.Đ. (SN 1982; ở thôn 7, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn).
Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết những trường hợp tử vong liên quan đến bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Khi phát bệnh dại mới đến các cơ sở y tế để cứu chữa thì đã quá muộn.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016 đã ghi nhận 781 người bị chó cắn phải tiêm phòng.
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra bệnh dại là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh dại triệt để, nhiều nơi tiêm phòng đại tỷ lệ thấp, đặc biệt là các huyện: Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Ngọc Lặc, kết quả tiêm phòng bệnh dại đạt rất thấp.
Hiện tượng chó nuôi thả rông không được quản lý vẫn còn phổ biến dẫn đến nhiều người bị chó cắn. Trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng là thời điểm nguy cơ bệnh dại bùng phát lây lan ra diện rộng là rất cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa “lệnh” cho các ngành chức năng cũng như các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Cần phân công lực lượng giám sát đến tận thôn bản để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật.
Đối với các trường hợp cố tình không thực hiện việc tiêm phòng cho chó mèo phải tổ chức tiêu diệt và xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong thời gian tới, đơn vị nào tổ chức tiêm phòng bệnh dại đạt kết quả thấp, để xảy ra bệnh dại gây thương vong sang người, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện việc bắt giữ, thông báo, xử lý đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư…