Thành công vượt bậc của y học ghép tạng: Mang phép màu đến cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992) đến nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng.

Số ca ghép tạng tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Ảnh minh họa
Số ca ghép tạng tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Ảnh minh họa

Hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992) đến nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng. Trong số đó, nhiều nhất là ghép thận, tiếp đó là ghép gan, ghép tim, ghép phổi; ghép thận - tụy; ghép tim - phổi; ghép ruột… Những “bàn tay, khối óc vàng” của y học Việt đã mang đến phép nhiệm màu tưởng như chỉ có trong cổ tích.

Cho đi là còn mãi

Ngay trong những ngày đầu năm 2024, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ tạng hiến của 2 bệnh nhân để hồi sinh sự sống cho 8 người.

Cụ thể, có 2 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân ghép gan và 4 bệnh nhân ghép thận. Đây là điểm nhấn vô cùng ý nghĩa đầu năm 2024, đem đến hy vọng về cuộc sống mới cho hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng.

Trước đó, những ngày cuối năm 2023, Đơn vị Tư vấn và điều phối ghép tạng tại Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã nhận được thông tin từ Phòng khám Cấp cứu về 2 trường hợp bệnh nhân chấn thương sọ não nặng.

Đó là bệnh nhân N.T.T. (25 tuổi, Thái Nguyên) và P.V.G. (32 tuổi, Phú Thọ). Hai bệnh nhân đều bị tai nạn giao thông và được Trung tâm y tế tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu.

Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng, gia đình cả 2 bệnh nhân rất đau lòng. Đặc biệt, gia đình bệnh nhân P.V.G. ban đầu đã xin đưa bệnh nhân về nhà. Sau đó, khi được đề cập đến việc hiến mô tạng sau khi chết não, gia đình 2 bệnh nhân thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác nên đã quyết định đồng ý hiến mô, tạng.

Qua quá trình điều trị và hồi sức tích cực, dù các y bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho 2 bệnh nhân, nhưng kỳ tích đã không đến với gia đình.

Hội đồng đánh giá chết não được thành lập, 3 lần test chết não, kết quả đều dương tính. Hội đồng và Ban Giám đốc bệnh viện công bố 2 bệnh nhân đã chết não. Mọi quy trình chuyên môn và thủ tục pháp lý nhanh chóng được hoàn thành.

Sau buổi lễ mặc niệm, cảm ơn bệnh nhân đã hiến mô, tạng của mình để cứu chữa những bệnh nhân khác, các y bác sĩ đã tiến hành hai cuộc đại phẫu liên tiếp trong vòng 24 giờ (20 giờ 40 phút ngày 3/1/2024 và 9 giờ 30 phút ngày 4/1/2024).

Cùng lúc đó, bệnh nhân nhận hiến tạng cũng được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng. Tất cả những diễn biến trong khi phẫu thuật đều được thực hiện đúng theo quy trình. Từ tạng hiến của 2 bệnh nhân nói trên, 8 bệnh nhân khác đã được hồi sinh. Trong đó, có 2 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận.

Theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đây là kết quả của việc thay đổi trong chính sách truyền thông, vận động về hiến ghép mô tạng của bệnh viện.

Từ đầu tháng 10/2023, bệnh viện đã yêu cầu các khoa có bệnh nhân nặng, thở máy nghiêm túc báo cáo các trường hợp bệnh nhân có điểm Glassgow 3, 4, 5 và đồng tử 2 bên giãn, bệnh nhân chết não tiềm năng. Đồng thời, mở rộng mạng lưới nhân viên y tế tham gia tư vấn hiến tạng từ người cho chết não.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia xây dựng mạng lưới và tăng cường công tác tập huấn tư vấn và chẩn đoán chết não với 16 bệnh viện khu vực phía Bắc.

Trong khoảng 1 tháng, đội ngũ tư vấn chuyên môn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tư vấn cho 5 gia đình có bệnh nhân nặng, chết não. Đặc biệt, chỉ trong vòng hơn nửa ngày, bệnh viện đã phối hợp với đơn vị chuyên môn tiến hành vận động được 2 gia đình có người thân chết não hiến tặng mô tạng.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép tạng. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép tạng. Ảnh: BVCC

Kỳ tích sẽ được viết tiếp

Hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992), đến nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện thành công khoảng 7.500 ca ghép tạng. Trong số đó, nhiều nhất là ghép thận, tiếp đó là ghép gan, ghép tim, ghép phổi; ghép thận - tụy; ghép tim - phổi; ghép ruột…

Tháng 11/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã tiến hành thành công ca ghép gan không cùng nhóm máu giữa người cho là bà nội và người nhận gan là cháu gái. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai kỹ thuật này cho trẻ nhỏ 15 tuổi.

Cụ thể, bệnh nhân nữ 15 tuổi, phát hiện xơ gan cách đây 6 năm không rõ căn nguyên. Gần đây, bệnh nhân đi khám, phát hiện có khối u gan đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan. Bệnh nhân đã được nút mạch gan chuẩn bị cho ghép gan.

Đối với trường hợp này, ghép gan được cho là phương án tốt nhất dành cho bệnh nhân. Điểm đặc biệt của ca ghép này đó là ghép gan bất đồng nhóm máu ABO với người hiến là bà nội. Những trường hợp bất đồng về nhóm máu sẽ được điều trị khác với các trường hợp cùng nhóm máu.

Sau quá trình chuẩn bị trước ghép tích cực, kíp ghép gan tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép phải từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho nữ bệnh nhân. Sau 8 giờ đồng hồ, ca ghép gan được thực hiện thành công. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.

Bệnh nhân ghép gan bất đồng nhóm máu cùng bà nội (người hiến tạng) sau cuộc phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân ghép gan bất đồng nhóm máu cùng bà nội (người hiến tạng) sau cuộc phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Ca ghép gan này được triển khai vào ngày 30/10/2023 và là ca thứ 200 được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đây là thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng Việt Nam nói chung và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng. Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc. Trong đó, ghép gan từ người cho sống chiếm chủ yếu.

Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan. Những năm tới, bệnh viện phấn đấu đạt 100 - 150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở trong nước.

GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam nhận định: “Ghép tạng được xem là điều kỳ diệu của y học. Bởi, đây là biện pháp duy nhất cứu người bệnh suy tạng. Công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới”.

Nếu trước đây chỉ các bệnh viện lớn như: 103, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo.

Đây là nỗ lực rất lớn của các chuyên gia chuyên ngành ghép tạng trong cả nước. Đạt được những kết quả này, bên cạnh vai trò phối hợp của bệnh viện với chuyên gia từ Hội Ghép tạng Việt Nam, còn có sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết: “Ghép mô, tạng là thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục. Hiện nay, trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế, giúp nhiều bệnh nhân được nối dài sự sống”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Kim Tiến, đó chỉ là về kỹ thuật, nhưng về số lượng còn rất hạn chế. Bởi, số người hiến quá ít, số bệnh nhân chờ được ghép lại ngày càng nhiều. Thêm nữa, hiện, số tạng hiến từ người cho chết não rất ít, phần lớn là từ người cho sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ