Vừa làm nông, vừa làm du lịch
Từ trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt về hướng sân bay Quốc tế Cần Thơ trên con đường Võ Văn Kiệt với bên đường cây xanh mướt khoảng dăm cây số là đến Nông trại xanh, nơi thu hút đông đảo người dân, học sinh đến tham quan và trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao.
Nông trại xanh của anh Nguyễn Văn Phong nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Nông trại có diện tích 0,7 ha, với nhiều không gian cho sản xuất nông nghiệp như khu vực trồng rau sạch thủy canh và địa canh, nhà ươm cây giống, nhà trồng dưa lưới, ao nuôi cá... Đây là nơi để học sinh, du khách trải nghiệm, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về cách trồng, chăm sóc rau sạch, với sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Phong cho biết, năm 2019, Cần Thơ Farm đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan, học tập. Hiện tại, đang liên kết với các đơn vị lữ hành mở thêm các tour du lịch kết nối với nông trại như tour tham quan Cồn Sơn, Nhà cổ Bình Thủy rồi đến Cần Thơ Farm.
Anh Phong xuất thân là giáo viên dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy. Từ năm 2015, xuất phát từ nhu cầu của gia đình, anh làm vườn rau nhỏ để con mình sử dụng. Khi trồng bạn bè thấy sản sản phẩm tốt nên khuyến khích. Đồng thời, anh Phong nhận thấy học sinh còn thiếu nhiều trải nghiệm với thực tế, nhất là ngành nông nghiệp. Vì thế, anh quyết định xây dựng nông trại kết hợp du lịch dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp xanh, giúp học sinh, sinh viên và cả người dân tham quan, học tập, trải nghiệm.
Ở đây có đầy đủ các loại hình trồng rau từ công nghệ cao đến truyền thống để cho các em thấy được những ưu điểm và hạn chế của trồng truyền thống và trồng theo kiểu hiện đại là thủy canh. Từ đó các em yêu thích thiên nhiên, yêu thích môn học hơn và các em nắm vững hơn kiến thức trên lớp. “Mọi quy trình trồng rau, trồng cây ăn trái mình đều công khai ra ngoài. Tất cả mọi người đến đều có thể cầm, sờ, nắm được hết và họ có thể hiểu được bản chất của từng mô hình”, anh Phong chia sẻ.
Ban đầu gặp khó khăn là khi sản xuất ra được sản phẩm đem đi bán ở các chợ thì tiểu thương làm khó về giá cả này nọ, chưa kể họ mua số lượng nhỏ lẻ. Vì thế anh Phong nghĩ ra cách là phải vừa trồng vừa bán rau tại nông trại. Bà con đến vừa có thể tham quan để tin rằng sản phẩm sạch, họ vừa có thể mua sản phẩm giá hợp lý.
Đồng thời, anh tự nghiên cứu thêm các sách vở, các đoạn video hay các trang chuyên ngành ở các nước tiến bộ như Thái Lan, Hà Lan, Israel. Song song đó, anh tiếp tục đi các tỉnh để tìm hiểu học hỏi người nông dân giỏi. Anh bộc bạch: “Thầy của mình chính là những người nông dân vì họ có kinh nghiệm sản xuất. Mình nhìn họ làm cộng với mình là người đi dạy nên khái quát được cách họ làm để tạo thành quy trình. Bên cạnh đó, khi khó khăn chia sẻ với người thân, trong đó có các nhà khoa học và một số bạn khởi nghiệp trước đã thành công. Họ giúp mình có thêm niềm tin để tiếp tục làm”.
Hiện anh Phong liên kết và hợp tác hàng gần trăm đơn vị, trong đó có hộ, các sở ban ngành, các trường và đang phát triển tốt ở các tỉnh. Đồng thời, anh tham gia giảng dạy cho các lớp thực hành ở các trường phổ thông trên địa bàn Cần Thơ và sinh viên ngành Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ. Về lâu dài, anh cho biết sẽ liên kết, hợp tác thêm phủ đều khắp các tỉnh miền Tây.
Hướng đến nông nghiệp xanh
Nông trại với đầy đủ các không gian riêng cho từng hoạt động gồm: Khu nhà chung, sau khi tham quan mình ngồi lại với nhau để trao đổi về các nội dung tham quan trong nông trại. Cạnh đó là góc bếp của nông trại, đây là nơi chế biến các sản phẩm thu được trong nông trại thành các món ăn. Không gian thứ ba là nơi giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp liên quan đến nông nghiệp mà sản phẩm đó phải thật sự sạch và chất lượng. Song song đó là nơi ngồi để khách thưởng thức món ăn được chế biến từ nguyên liệu của nông trại. Ngoài ra, còn có nơi mà khách có thể đi tham quan tất cả các mô hình và họ có thể tự tìm hiểu và đặt câu hỏi với kỹ thuật viên để hiểu sâu hơn về sản xuất nông nghiệp.
Cô giáo Cao Mỹ Phượng ở Vĩnh Long trong lần dẫn học sinh đến nông trại xanh cho các em trải nghiệm. Cô Phượng chia sẻ: “Ở đây trồng rau thủy canh và địa canh xen lẫn với truyền thống để cho các em thấy được những ưu điểm và hạn chế của trồng truyền thống và trồng theo kiểu hiện đại là thủy canh. Từ đó các em yêu thích thiên nhiên hơn, yêu thích môn học hơn và các em nắm vững hơn kiến thức mà mình dạy trên lớp”.
Huỳnh Thị Kim Ngân, sinh viên khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ đang thực tập chia sẻ: “Thầy chỉ cho các em cách để phòng trị các loại nấm bệnh, côn trùng gây hại. Quan trọng là việc sử dụng thiên địch vào việc thụ phấn thay vì thụ phấn truyền thống. Ngoài ra, những phương pháp và kỹ thuật trồng dưa lưới em cảm thấy rất dễ hiểu, tiếp thu nhanh chóng, gợi mở cho em nhiều đề tài phục vụ cho học tập”.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đây là cách làm hay về đổi mới tư duy và cách nghĩ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Qua đó, cho thu nhập tăng gấp nhiều lần so với canh tác thông thường. Đồng thời, còn mang tính lan tỏa cao bởi sản phẩm làm ra an toàn đối với người tiêu dùng. Đó cũng là vấn đề ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm trong thời công nghệ 4.0 như hiện nay...
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.