(GD&TĐ) - Ngày 17/7, Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg, sơ kết 3 năm phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và tổng kết năm học 2010-2011, triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012 tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục ngày làm việc thứ hai và đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Các lãnh đạo Sở ký cam kết thi đua |
Trong ngày hôm nay, hội nghị tiếp tục nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu. Trong đó đáng chú ý là tham luận của ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai; ông Nguyễn Đình Ban, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh, tỉnh Đắk Lắk về những chuyến biến vượt bậc của cơ sở sau 4 năm thực hiện chỉ thị số 33/2006/CT-TTg và 3 năm triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các tham luận đều nhấn mạnh: hiệu quả rõ nhất mà cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mang tới đó là việc cả xã hội cùng chăm lo cho giáo dục và đào tạo. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng của nhân dân. Và đó là cơ sở để giáo dục địa phương chuyển biến tích cực theo hướng thực chất, từng bước nâng cao chất lượng. Vì ý nghĩa tích cực cũng như hiệu quả của cuộc vận động Hai không và phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, toàn ngành cần tiếp tục duy trì và phát triển trong thời gian tới. (Xem thêm chi tiết ý kiến các đại biểu về việc thực hiện chỉ thị số 33/2006/CT-TTg và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” )
Cũng trong ngày hôm nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tuyên dương khen thưởng những cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2010-2011.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Đánh giá về những thành tựu sau một năm học, đồng thời nhìn lại 4 năm triển khai cuộc vận động “Hai không”, 3 năm triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” , Ủy viên trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong việc quyết liệt chống tiêu cực, yếu kém trong ngành, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất và có chiều sâu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành giáo dục cần phải tiếp tục không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện một cách triệt để và thiết thực các phong trào thi đua, tạo động lực phấn đấu rèn luyện cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong giáo viên và học sinh. Toàn ngành cần quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về sáu nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học; Đổi mới và giảm tải chương trình giáo dục phổ thông; Chăm lo cho đời sống giáo viên và tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo; Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tiếp tục đầu tư và nâng cao cơ sở vật chất trường lớp; Nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020. Để việc đổi mới tốt và hiệu quả, ngành giáo dục và các địa phương cần phải xây dựng được môi trường giáo dục sư phạm tốt. Trong quá trình đổi mới phải bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để công cuộc đổi mới mang tính bền vững hơn. Năm học mới 2011-2012, ngành giáo dục càng phải nâng cao trách nhiệm đối với xã hội; Quyết liệt thực hiện đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới quản lý là hướng đột phá. Đặc biệt, giáo dục phổ thông không chỉ chú trọng việc dạy kiến thức mà cần phải tích hợp việc dạy kiến thức với dạy kỹ năng cho học sinh theo hướng tăng cường năng lực công dân trên bước đường hội nhập.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kết luận hội nghị |
Thay mặt toàn ngành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Bộ trưởng khẳng định: Đối với Chỉ thị 33/2006/CT-TTg, ngành GD&ĐT đã chủ động triển khai, đã có tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân, lại có thêm sự chia sẻ chung tay của các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương. Ngành GD&ĐT hiện nay đã bớt khó khăn hơn 4 năm trước rất nhiều, đến giờ này có thể khẳng định mục tiêu cơ bản của Chỉ thị 33/2006/CT-TTg đã được thực hiện một cách hiệu quả. Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg, 3 năm triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng như thành quả của năm học qua, toàn ngành cần quyết tâm hơn nữa, xây dựng nền giáo dục trung thực lành mạnh, chất lượng. Những mối quan hệ được xác lập trong nội bộ ngành giáo dục, giữa ngành với các bộ ngành khác đã được xác lập trong quá trình thực hiện “Hai không” và “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển. Toàn ngành quyết tâm không để tái phát tiêu cực ở những nơi đã chống được tiêu cực và kiên quyết chống tới cùng ở những nơi còn tiêu cực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg |
Trong nhiệm vụ triển khai năm học mới 2011-2012 toàn ngành phải đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; nội dung đổi mới căn bản sẽ được ngành tổ chức nghiên cứu để cụ thể hóa và triển khai. Sắp tới đây, Chính phủ sẽ có chương trình hành động, cần sự đóng góp trí tuệ nhiều từ ngành GD&ĐT, các ngành các cấp, ý kiến nhân dân. Trên cơ sở này, Bộ sẽ điều chỉnh nội dung đổi mới cho phù hợp với tình hình. Năm học này là năm học đầu tiên của kế hoạch 5 năm nên có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải có sự quyết tâm cao của toàn ngành.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao bằng khen cho các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học |
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng lưu ý các Sở GD&ĐT một số vấn đề mới. Về thông tư hướng dẫn Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010, Bộ đang soạn thảo, trong đó, có nhiệm vụ của Sở GD&ĐT quản lý một số trường CĐ, ĐH ở địa phương, Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT nên tham mưu với UBND tỉnh để có thể chủ động trong các kế hoạch.Về chương trình CNTT trong đổi mới quản lý, Bộ đang có phần mềm quản lý và sẽ triển khai rộng trong tương lai, các địa phương có phát hiện lỗi gì thì phản ánh về Bộ, Bộ sẽ có hướng dẫn và tháo gỡ. Riêng vấn đề hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, vừa qua có thực tế là có tỉnh hỗ trợ bằng tiền, nên bố mẹ học sinh sử dụng vào việc khác. Bộ trưởng đề nghị các giám đốc Sở quan tâm điều chỉnh để “ không để học sinh nào nghèo phải bỏ học” như lời Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
ĐÁNH GIÁ TỪ CƠ SỞ:
Ông Đặng Văn Hướng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh |
*Ông Đặng Văn Hướng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh:
Cần tiếp tục duy trì, phát triển các cuộc vận động và phong trào.
Hiệu quả mà các cuộc vận động, phong trào mang lại là rất rõ ràng. Vì thế, chúng ta nên duy trì các cuộc vận động và những phong trào thi đua như hiện nay, nhằm thúc đẩy ý thức tự giác, tinh thần say mê tự học, tự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của giáo viên và ý thức học tập của học sinh. Bởi các cuộc vận động, phong trào thi đua trên được các cấp, các ngành và nhân dân ủng hộ rất cao.
Cuộc vận động “Hai không” thật sự mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục. Sau 4 năm triển khai, cuộc vận động không chỉ cho xã hội thấy trách nhiệm của toàn ngành trong việc hướng đến giáo dục thực chất, mà còn chỉ ra cho xã hội thấy những điểm tích cực mà ngành giáo dục đang có. Ngành và các địa phương đã có sự đồng thuận, tinh thần dám thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, dám chấp nhận chất lượng giáo dục thực chất (dù tỉ lệ đôi khi thấp) để từ đó sửa chữa và tiến bộ, giúp cho xã hội tin tưởng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt, thì cũng còn không ít nơi trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vấn đề ít nhiều gặp phải vướng mắc và hạn chế. Mọi công việc đều cần phải có quá trình và sự đồng thuận ủng hộ của mọi cấp chính quyền. Trong đó, vai trò của ngành GD&ĐT trong định hướng, hỗ trợ, tháo gỡ là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Khắc Hào,Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh |
*Ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Xã hội cần có cái nhìn khách quan về giáo dục
Triển khai Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Chính phủ, chất lượng giáo dục đã được cải thiện qua từng năm. Sau 4 năm, tác động của “Hai không” là rất rõ ràng. Thái độ coi thi, chấm thi của cán bộ, giáo viên đã nền nếp, nghiêm túc hơn trước rất nhiều. Hiện tượng tiêu cực trong thi cử như làm bài cho học sinh, gà bài cho học sinh, cho học sinh sử dụng tài liệu…đã được ngăn chặn hết sức là kịp thời.
Hà Tĩnh chúng tôi khi thực hiện cuộc vận động “Hai không” đã từng xử lý hàng trăm giáo viên vi phạm quy chế thi. Cứ sau mỗi năm “mạnh tay” những vi phạm như vậy được kéo giảm đi rõ rệt. Thi cử là một áp lực, nhưng nếu chúng ta biết xử lý một cách hài hòa, biết làm công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách hiệu quả thì kết quả mang lại sẽ thực chất.
Cá nhân tôi thấy “Hai không” là rất cần thiết. Xã hội cần có cái nhìn khách quan về giáo dục, đừng thấy tỉ lệ đỗ hơi cao một chút là đặt dấu hỏi nghi vấn, tôi thấy đó là việc hết sức bình thường sau những gì chúng ta dám chấp nhận đối mặt để sửa đổi và đổi mới công tác thi cử, dạy và học. Cuộc vận động “Hai không” rất có ý nghĩa, hết sức cần thiết và phải tiếp tục được thực hiện. Vì nếu không có cuộc vận động “Hai không” tình thế nó đã khác.
Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk |
*Ông Phan Hồng, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk: Hiệu quả cho phát triển giáo dục
Cuộc vận động “Hai không” đã mang lại những chuyển biến hết sức rõ nét. Dù tỉ lệ năm học này một số tỉnh có sự gia tăng đột biến nhưng tôi không nghĩ đó là kết quả có vấn đề mà tôi tin tỉ lệ ấy về cơ bản là sự tăng trưởng mang tính quy luật về sự nỗ lực của ngành, của đội ngũ thầy cô giáo, của học sinh cũng như của toàn xã hội. Trong giáo dục việc phát triển tất nhiên sẽ vẫn còn những hạn chế này, tồn tại kia cần phải khắc phục. Nhưng nhìn vào toàn cục của ngành giáo dục thì sự chuyển biến ấy là điều đáng mừng.
Phong trào thi đua ‘Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là một phong trào mang tính toàn diện. Bởi phong trào đã đề cập đến rất nhiều vấn đề: nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, rồi xây dựng kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục truyền thống, đạo đức…Chính vì thế, làm tốt phong trào thi đua này, ngành giáo dục sẽ có điều kiện để phát triển một cách bền vững. Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không” cùng với sự chuyển biến chung của cả nước, thì những chuyển biến trong ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk là hết sức rõ nét.
Ông Triệu Văn Phấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh |
*Ông Triệu Văn Phấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh: Cả xã hội chăm lo cho giáo dục
Điều tôi tâm đắc nhất là các cuộc vận động và phong trào của ngành đã tạo ra ý thức cả xã hội cùng chăm lo cho giáo dục. Trà Vinh là tỉnh có 30% đồng bào dân tộc Khmer, đời sống còn khó khăn, do đó việc học sinh bỏ học ba năm trước là một vấn đề nan giải. Qua phong trào, các ngành các cấp, cả xã hội cùng chăm lo cho học sinh nghèo. Từ đó tỉ lệ học sinh bỏ học kéo giảm xuống 1%. Ba năm qua việc kiên cố hóa trường học được quan tâm chưa từng có. Việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ luôn vượt chỉ tiêu, năm 2010 giải ngân tới 200%. Tức là ứng vốn một năm để xây dựng trước. Có thể nói phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục ở Trà Vinh.
*Ông Võ Văn Thống, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Khơi dậy sự sáng tạo từ cơ sở
Phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực đã tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục. Học sinh thêm yêu ngôi trường mình, quê hương mình, tự tin vào chính mình để phấn đấu trở thành người hữu ích. Vấn đề giáo dục kỹ năng sống được quan tâm. Đến Đồng Tháp có rất nhiều mô hình đã được sáng tạo từ sơ sở như: tổ nhân dân khuyến học, xuất phát từ huyện Cao Lãnh đã được nhân ra cả tỉnh; Mô hình học sinh THCS Nguyễn Thị Lựu làm hướng dẫn viên di tích Mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc; Hay một bà mẹ nghèo chỉ có 1 công đất mà nuôi 5 con học xong đại học ở thị trấn Mỹ Thọ. Ngay như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, một học sinh nghèo đi chăn trâu ở huyện Tháp Mười đã đỗ thủ khoa kỳ thi. Xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực đã giúp xã hội quan tâm đến giáo dục hơn, học sinh rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh |
*Ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh:
Hiệu quả đạt được lớn nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát huy tư duy, khả năng sáng tạo, tự học của mình. Thầy cô giáo dạy học chăm chút theo từng cá thể, không dạy theo số đông hay theo từ chương như trước. Việc giáo dục đạo đức nhân cách, lối sống, truyền thống cho các em học sinh được nhân rộng. Thông qua các tiết học, bài học, khóa học lịch sử trong nhà trường, chúng tôi quan tâm bổ sung vào giáo dục truyền thống lịch sử ở địa phương cũng như bổ trợ từ các hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống, nêu những tấm gương điển hình… giúp các em rèn luyện đạo đức nhân cách và lối sống tốt đẹp…
Anh Tú- Nguyễn Ngọc