Nặng nề nhất là ca can thiệp nút mạch cấp cứu cho bệnh nhân L.V.N (65 tuổi) ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long. Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày. Người bệnh nôn ra nhiều máu đỏ tươi ở nhà và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Bệnh nhân có tiền sử u gan đã nút mạch, xơ gan. Tại đây, các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa đánh giá tình trạng bệnh nhân nguy kịch, phải xử trí sớm nếu không sẽ chảy máu khó kiểm soát, đe doạ đến tính mạng. Các bác sĩ quyết định nút tắc búi giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày bằng phương pháp can thiệp nội mạch đi qua shunt vị thận.
Sau can thiệp, bệnh nhân được nội soi kiểm tra đánh giá không còn hình ảnh nhánh phình vị trong dạ dày. Ổ chảy máu trong dạ dày bệnh nhân được giải quyết triệt để. Đến nay, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống và đi lại bình thường sau 3 - 4 ngày can thiệp.
Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh siêu âm kiểm tra lại cho bệnh nhân sau can thiệp. Ảnh: BVCC. |
Trong ngày, khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện 2 ca can thiệp khác cho nữ bệnh nhân H. (36 tuổi) bị lạc nội mạc tử cung với khối kích thước 40x60mm và nam bệnh nhân Đ. (67 tuổi) bị phì đại tuyến tiền liệt kích thước (50x50x53mm). Hai trường hợp đã được kíp can thiệp thực hiện nút mạch điều trị lạc nội mạc tử cung và u phì đại tuyến tiền liệt bằng việc luồn dây ống thông nhỏ đến vị trí cần nút, sau đó bơm các hạt PVA vào mạch để bít kín lại, ngăn máu nuôi u. Các bệnh nhân tỉnh táo trong suốt thời gian can thiệp, không đau đớn, ít chảy máu.
Cả 3 ca can thiệp trong một ngày đều diễn ra thuận lợi, kết quả tốt. Đến nay, sức khỏe các bệnh nhân đều phục hồi tích cực, đỡ triệu chứng, xuất viện sau thời gian ngắn điều trị.
Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết: “Trước đây, 3 trường hợp này hầu hết phải thực hiện các phương pháp xâm lấn để điều trị. Như 2 bệnh nhân bị u xơ tử cung và phì đại tuyến tiền liệt đều phải phẫu thuật gây mê lấy u với vết mổ lớn, mất nhiều máu, nguy cơ biến chứng cao. Hay bệnh nhân N. bị giãn tĩnh mạch phình vị dạ dày nếu nội soi thắt búi giãn hay tiêm xơ thì hiệu quả điều trị thấp, nguy cơ tái xuất huyết cao do búi giãn không được xử trí triệt để".
Đến nay, khoa Chẩn đoán hình ảnh đã thực hiện hàng trăm ca can thiệp mỗi năm với hiệu quả điều trị cao, tỷ lệ biến chứng thấp. Những ngày cao điểm, các bác sĩ đã thực hiện 6 ca can thiệp/ngày ở nhiều mặt bệnh từ đơn giản đến phức tạp.